Bệnh thối nhũn hại cây có múi

Bệnh thối nhũn là một trong những bệnh hại thường xuất hiện và gây hại trên nhóm cây có múi, bệnh do nấm Phytophthora sp. gây ra. Trong nhóm cây có múi bệnh thường gây hại nặng cho cây quýt đường và cam mật. 



Nấm Phytophthora có đặc điểm là ưa thích và rất cần có ẩm ướt để sinh sản, phát triển. Vì thế ở các tỉnh Nam bộ bệnh thường xuất hiện và gây hại nhiều trong mùa mưa, nhất là ở những vườn sau khi bị ngập lũ, những vườn trồng dầy, tán lá bít bùng, không thông thoáng khô ráo.


Nấm bệnh có thể tồn tại trong đất, trong nước, trong tàn dư của cây bị bệnh. Ngoài nhóm cây có múi, bệnh còn gây hại trên rất nhiều loại cây trồng khác, do đó nguồn bệnh luôn có sẵn rất nhiều trong 
tự nhiên. Vì thế, việc phòng trị bệnh đôi khi cũng gặp không ít khó khăn.


Bệnh có thể tấn công gây hại trên nhiều bộ phận của cây như trên trái, trên lá, trên cành non…


- Trên trái: Bệnh thường gây hại trên trái già và những trái nằm khuất trong tán cây, nơi thiếu ánh nắng mặt trời. Lúc đầu vết bệnh nhìn như bị úng nước, sau đó phát triển rộng dần ra và chuyển dần sang mầu xám đen, giữa vùng bị bệnh và không bị bệnh không có ranh giới rõ ràng. Nếu ẩm độ không khí cao, trời âm u ít nắng, trên vết bệnh sẽ xuất hiện lớp sợi tơ nấm mầu trắng. Nếu bị nặng, chỗ bị bệnh chiếm khoảng 1/3 đến ½ diện tích vỏ trái, trái sẽ bị rụng.


- Trên lá: Nấm bệnh có thể tấn công và gây hại ở tất cả các giai đoạn phát triển của lá và ở bất kể vị trí nào trên lá. Lúc đầu vết bệnh có hình tròn nhỏ, mầu xanh đậm, úng nước. Sau đó lan rộng dần ra xung quanh, vẫn giữ được dạng hình tròn hoặc không có hình dạng nhất định và chuyển dần sang mầu xám nâu hoặc nâu đen, vùng bị bệnh và không bị bệnh thường không có ranh giới rõ ràng. Nếu nặng có thể làm cho lá bị rụng. Tương tự trên trái, những vườn bị ẩm ướt, ẩm độ không khí trong vườn cao trên vết bệnh sẽ xuất hiện sợi tơ nấm mầu trắng.


- Trên cành non: Ban đầu vết bệnh cũng có mầu xanh tối sau đó chuyển dần sang mầu tối sậm, mầu đen. Vết bệnh lan rộng dần ra xung quanh, nếu nặng có thể làm cho cành non, nhánh non bị chết.


Để hạn chế tác hại của bệnh có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp sau đây:


- Lên liếp cao, đánh rãnh thoát nước hình xương cá trên liếp để vườn có thể thoát nước nhanh mỗi khi có mưa. Nếu đất thấp phải có hệ thống bờ bao vững chắc để có thể chủ động 
bơm nước ra khỏi vườn khi cần thiết, không được để vườn bị ngập úng.


- Không nên trồng quá dầy, sau mỗi vụ thu hoạch nên tỉa bỏ những cành già, cành bị sâu bệnh, cành tăm, cành tược trong tán cây không có khả năng cho trái để vườn luôn thông thoáng, khô ráo.


- Thường xuyên thu gom trái và những bộ phận bị bệnh khác đem ra khỏi vườn tiêu huỷ để hạn chế bệnh lây lan.


- Phải 
bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali, không nên bón quá thừa đạm. Phải tăng cường phân hữu cơ đã được ủ hoai mục (nhất là phân gà), phân hữu cơ vi sinh, các chế phẩm sinh học như Vi-ĐK…


- Không nên trồng xen những loại rau mầu cũng là ký chủ của nấm Phytophthora như: 
cà tím, cà pháo, cà chua, ớt, bầu bí, khoai sọ, cà rốt, súp lơ… trong vườn cây có múi.


- Phải kiểm tra vườn cây thường xuyên (nhất là vào mùa mưa) để phát hiện sớm và tiến hành phun xịt thuốc phòng trị bệnh kịp thời. Khi phát hiện bệnh, có thể dùng một trong các loại thuốc như: Vimonyl 72BTN; Vialphos 80BTN; Vilaxyl 35BTN… phun ướt đều tán cây, phun nhắc lại 7-10 ngày/một lần. Trước khi phun xịt cần đọc kỹ hướng dẫn cách sử dụng thuốc của nhà sản xuất có in sẵn trên bao bì. Nhớ phải bảo đảm thời gian cách ly của thuốc.


Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam 

Viết bình luận