Hiệu quả kinh tế từ cây đu đủ da vàng

Cận cảnh vườn đu đủ vàng trăm triệu ở miền Tây

Nắm bắt được nhu cầu đa dạng của thị trường trái cây chưng Tết, anh Nguyễn Hữu Lộc (33 tuổi), thị trấn Ngã Sáu, Châu Thành (Hậu Giang) đã đầu tư trồng 750 gốc đu đủ vàng. Hiện tại, vườn đu đủ đang trĩu quả chờ ngày thu hoạch. Tính sơ sơ, anh Lộc bỏ túi trăm triệu sau 6 tháng bỏ công chăm sóc

Chia sẻ về ý tưởng trồng đu đủ vàng phục vụ thị trường hoa quả chưng Tết, anh Lộc cho biết:

 “Trong một lần bắt gặp vườn đu đủ vàng rất đẹp của một người bạn, tôi nảy sinh ý định sẽ trồng giống cây trồng này để cung ứng cho thị trường vào dịp Tết Nguyên đán”.

Vốn là một nông dân “nòi” nên anh Lộc nhanh chóng bắt đầu cho cải tạo lại đất từ vườn cam sành bị hư, và tiến hành ươm giống.

Đến đầu tháng 6 (âm lịch) năm 2015, anh Lộc cho trồng 750 cây đu đủ vàng trên diện tích 5.000 m2 đất đã cải tạo. Sau hơn 2 tháng chăm bón cẩn thận, vườn đu đủ vàng của anh Lộc phát triển rất tốt và bắt đầu cho trái. Vào thời điểm hiện tại, cây đã được 6 tháng tuổi và đang trĩu quả.

“Hiện tại, mỗi cây cho năng suất trên 20kg. Dự tính sẽ cung ứng cho thị trường Tết Bính Thân 2016 khoảng 15 tấn đu đủ vàng”.

Đu đủ vàng khá lạ lẫm với người miền Bắc, nhưng ở miền Tây, đây là mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn để trưng bày trên mâm ngũ quả. Kích thước và trọng lượng của quả được xem là đẹp nhất khi đạt trọng lượng từ 400 – 500 gam.

 

Anh Lộc cho biết thêm, do đây là năm đầu thử nghiêm cộng thời tiết nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng trực tiếp trên trái nên việc xử lí tạo màu đang được tiến hành hết sức thận trọng.

 “Nếu tính giá bán ra thị trường ở mức từ 10.000 – 15.000đ/kg thì Tết này tôi cũng bỏ túi trên dưới 100 triệu đồng sau 4 tháng bỏ công chăm sóc”.

Tuy nhiên anh Lộc cũng chia sẻ thêm, với nghề trồng hoa quả dịp Tết không chỉ giỏi nghề là làm ăn được mà còn phải nhạy bén thị trường, nhất là việc tìm đầu ra cho sản phẩm, nếu không rơi vào cảnh “thừa hàng dội chợ” là mất “cả chì lẫn chài”.

 

Viết bình luận