Bón tưới và kỹ thuật liên quan

Mỗi hệ thống bón tưới (fertigation) được thiết kế cho một kiểu phối hợp riêng biệt giữa cây trồng, đất đai và khí hậu thời tiết. Nó bao gồm một số bộ phận sau đây và được kết nối với hệ thống tưới nhỏ giọt: 


Thứ nhất là bộ phận phân phối phân: Có 2 kiểu chính của bộ phận này, 1- kiểu thùng hòa tan phân, được nối với hệ thống tưới nhỏ giọt chính và nó phân bổ một lượng phân xác định cho hệ thống tưới trong suốt chu kỳ tưới. Kiểu cấu tạo này thường thích hợp dùng cho các lô trồng nhỏ, và 2 – kiểu bơm ngoài, thường dùng cho những diện tích trồng trọt lớn. Kiểu này bơm dung dịch phân lỏng trực tiếp vào hệ thống tưới rồi hòa tan cùng nước tưới để phân phối cho cây.


Thứ 2 là bộ phận lọc: Trong fertigation việc lọc là yêu cầu trước tiên và rất cần thiết để tránh sự tắc nghẽn các ống tưới và béc, đồng thời duy trì được sự đồng nhất của nước tưới và phân bón. Kiểu của hệ thống lọc tùy thuộc vào chất lượng nguồn nước tưới. Trong trường hợp nguồn nước được khai thác từ giếng khoan sâu, hệ thống lọc cần phải loại được đá dăm, cát và các chất keo lơ lửng trong nước. Nếu nguồn nước là nước mặt, cần chú ý loại trừ được các chất hữu cơ và các loại tảo trước khi đưa vào hệ thống tưới. Trong hệ thống bón tưới lại cần có hệ thống lọc thứ 2 để loại bất kỳ vật thể nào có thể có trong phân và cả các chất kết tủa trong quá trình hòa tan. Nước được lấy từ các giếng khoan thường có chứa các ion hóa trị 2 và thường kết tủa cùng với các phosphate để hình thành các dạng giống gel, có thể làm tắc các ống và béc.


Khi phân được tưới cùng nước vào gốc cây, các thành phần dinh dưỡng khác nhau trong phân sẽ có kiểu di chuyển không giống nhau. Ion phosphate là loại dễ bị đất hấp thụ nhất và thường ít di động, ngược lại, các ion như nitrat và chlorua lại không bị hấp thụ nên rất linh động. Trong suốt quá trình tưới bón sẽ hình thành sự cân bằng giữa lượng nước rỉ ra từ hệ thống tưới và sự bốc hơi, tạo thành một đường biên khô/ướt, nhất là trong những mùa nắng nóng, khô hạn. Tại đường biên khô ướt này sẽ có sự tích lũy các muối có khi tới mức rất cao. Nếu lúc này xuất hiện cơn mưa vừa đủ, lượng muối ở đây sẽ thấm ra vùng rễ cây và gây hại rất đáng kể cho bộ rễ.


Để tránh được hiện tượng này, người ta áp dụng kỹ thuật phủ nilon để tránh sự tích lũy muối thái quá như đã nói trên. Nhất là ở các vùng khô hạn hoặc bán khô hạn, nơi mà nưới tưới chứa nhiều các ion như Na+, Ca++, thì hiện tượng tích lũy muối là rất lớn và càng rất cần có kỹ thuật phủ nilon kèm theo. Mặt khác đất ở những vùng khô hạn cũng thường có hàm lượng muối cao, gây hại cho hạt nẩy mầm và cây con, nên cần có biện pháp tưới rửa thích hợp.


Một điểm cần chú ý khác là việc lựa chọn phân bón. Với phần này thì hầu hết các loại phân tan và phân lỏng đều có thể được lựa chọn để bón tưới. Khi chọn phân cho mục đích này cần chú ý 4 điểm sau đây:


- Loại cây trồng và thời kỳ sinh trưởng phát triển.


- Đất trồng.


- Chất lượng nước tưới.


- Thành phần phân bón và giá cả.


Loại cây trồng mẫn cảm với dạng phân N thường biểu hiện rõ nhất ở thời kỳ cây ra hoa quả. Ví dụ cây cà chua rất mẫn cảm với dạng phân đạm gốc NH4+ quanh vùng rễ, nên loại đạm thích hợp cho cà chua là dạng nitrat. Về vấn đề đất trồng, khi nhiệt độ đất cao thì loại đạm ammonium sẽ gây ra hiện tượng cản trở rễ sử dụng đường cho mục đích hô hấp, nên nồng độ ammonium cao sẽ gây độc cho tế bào rễ và làm tổn thương nó. Nhưng ngược lại, khi ở điều kiện nhiệt độ thấp, đạm ammonium không gây hại cho rễ, vì lúc này rễ không cần nhiều đường để hô hấp.


Trên loại đất có thành phần cơ giới nặng có thể hình thành một vùng ứ nước quanh béc tưới. Ở vùng ứ nước này nếu nhiệt độ đất cao sẽ có tình trạng thiếu oxy và các phản ứng khử sẽ gây ra hiện tượng mất đạm vào không khí dưới dạng N2 hay N2O. Trong điều kiện này cây trồng có thể bị thiếu đạm, mặc dù đạm vẫn được cấp đầy đủ từ hệ thống bón tưới. Nếu gặp trường hợp này ta nên cung cấp một lượng nhỏ đạm dưới dạng urea hay ammonium sẽ hạn chế được việc mất đạm do phản đạm hóa. Ở loại đất nặng như đã nói trên, hàm lượng đạm ammonium luôn luôn ở dưới mức gây hại cho rễ, vì một số trong chúng thường bị keo đất hấp phụ.


Cũng có khi ta cần phải làm giảm pH của dung dịch nước tưới xuống khoảng 5,5 để giữ phosphate ở trạng thái tan tốt trong quá trình tưới và tránh làm tắc béc tưới. Ở mùa lạnh, dạng phân lân tốt nhất cho việc bón tưới này là axit phosphoric. Dạng phosphate này sẽ giúp làm sạch các kết tủa trong hệ thống tưới và giúp cung cấp lân cho hệ thống rễ kém phát triển khi trời lạnh. Nếu cần phải bổ sung vi lượng thì các dạng chelat vi lượng nên được sử dụng, vì nó giữ được tính tan, ít bị kết tủa trong ống tưới và vì vậy có thể đi đến vùng rễ để cung cấp cho cây.


Bao Nong Nghiep Viet Nam 

Viết bình luận