Cách trồng đậu cô ve leo an toàn

Đậu cô ve là cây trồng mẫn cảm với nhiều loài sâu bệnh hại chính như: Ruồi đục lá, rệp, nhện đỏ, sâu đục quả, bệnh lở cổ rễ, thán thư... Để đảm bảo cho đậu quả được an toàn, người trồng cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp.

Hỏi: Tôi muốn trồng đậu cô ve leo an toàn để cung ứng cho các bếp ăn tập thể. Xin cho biết cách làm cụ thể, nhất là việc sử dụng thuốc BVTV?

Trả lời: Để đảm bảo cho quả đậu được an toàn khi sử dụng, bạn cần chú ý thực hiện tốt một số biện pháp canh tác như sau:

Việc bón phân thúc: Nhu cầu phân bón cho đậu không cao, nhưng ngoài lượng phân lót, mỗi ha có thể bón thúc thêm 30kg đạm urê và 30kg kali/lần vào 2 thời điểm: Cây ra tua cuốn và lúc rộ hoa. Tránh bón phân urê muộn gần đến lúc thu hoạch để dư lượng nitơrat trong quả cao vượt ngưỡng cho phép gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Phòng trừ sâu bệnh: Đậu cô ve là cây trồng mẫn cảm với nhiều loài sâu bệnh hại chính như: Ruồi đục lá, rệp, nhện đỏ, sâu đục quả, bệnh lở cổ rễ, thán thư... Để đảm bảo cho đậu quả được an toàn, người trồng cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp như sau:

* Biện pháp canh tác:

- Thu gom, tiêu huỷ tàn dư cây đậu và các cây trồng khác vụ trước ngay sau khi thu hoạch. Cày đất, để ải đất 2 - 3 tuần.

- Áp dụng luân canh và xen canh đối với đậu ăn quả, tốt nhất nên luân canh với cây lúa, luân canh & xen canh với rau họ thập tự như bắp  cải, su hào, cải ăn lá... không luân  canh và xen canh với các cây họ bầu bí, họ cà. 

- Bón phân, chăm sóc, tưới nước hợp lý, làm cỏ xới xáo kịp thời để giảm sự cư trú của sâu hại, kết hợp ngắt, bắt các ổ trứng hoặc sâu non mới nở của sâu khoang, sâu róm,...

* Biện pháp sinh học: 

- Bảo vệ duy trì phát triển quần thể những thiên địch tự nhiên (bọ rùa, dòi ăn rệp, nhện bắt mồi, các loài ong ký sinh) bằng cách sử dụng thuốc hoá học hợp lý, không phun thuốc trừ sâu định kỳ trên đậu ăn quả.

- Sử dụng Elincol 12ME, Vertimex 1.8EC để trừ dòi đục lá đậu

* Biện pháp hoá học:

- Giai đoạn cây con từ gieo hạt đến trước khi cây ra hoa: Nếu ruồi đục lá đậu, rệp đậu màu đen, nhện đỏ, bọ trĩ phát sinh gây hại cục bộ thì sử dụng một trong các loại thuốc sau: Elsin 10EC, Confidor 100SL, Ortus 5SC, Comite 73EC. Giai đoạn này chỉ cần phun thuốc 1 hoặc 2 lần vào thời điểm khoảng 20 - 35 ngày sau trồng.

- Giai đoạn từ khi ra hoa đến kết thúc thu hoạch: Việc dùng thuốc trừ sâu ở giai đoạn này chủ yếu để trừ sâu đục quả đậu, ruồi đục lá đậu... Nên dùng các loại thuốc sau: Elincol 12ME, Sherpa 25EC, Sumicidin 20EC, Karate, các loại thuốc Bt. Thời điểm phun thuốc tốt nhất là lúc cây đậu có hoa rộ và bắt đầu có quả (khoảng 55 - 60 ngày sau trồng). Phun thuốc 3 lần, khoảng cách giữa các lần phun từ 5 - 7 ngày.

* Lưu ý:  

+ Các loại thuốc hoá học cần sử dụng đúng liều lượng, nồng độ, tuân thủ thời gian cách ly theo khuyến cáo trên nhãn bao bì  của từng loại thuốc.            

+ Trước mỗi đợt phun phải thu hoạch hết những quả đạt tiêu chuẩn thu hái. Trong thời gian đang thu hoạch quả chỉ sử dụng các thuốc thuộc nhóm Pyrethroit, thuốc sinh học thời gian cách ly tối thiểu là 3 ngày.


Hỏi: Gần đây bệnh thối rễ vàng lá gây hại rất mạnh cây cam. quýt ở vùng chúng tôi, đề nghị chuyên gia cho biết làm cách nào để hạn chế căn bệnh này?

Trả lời: Bệnh thối rễ vàng lá là một bệnh khá phổ biến trên nhóm cây cam, quýt, đặc biệt là trong mùa mưa (từ đầu mùa mưa đến nay bệnh đã phát triển khá nhiều ở một số vùng chuyên canh cây có múi ở ĐBSCL). Nếu không có biện pháp phòng trị tốt có thể làm cho cây bị chết hàng loạt, gây thiệt hại rất lớn cho nhà vườn.

Để hạn chế tác hại của bệnh, có thể áp dụng một số biện pháp chính sau đây:

- Phải lên liếp cao, nếu thấy chưa đủ cao phải đắp mô rồi mới trồng lên mô, để tránh bị ngập nước mưa hoặc triều cường. Vườn phải có hệ thống thoát nước tốt. Xung quanh vườn phải có hệ thống mương và bờ bao để có thể bơm nước ra khỏi vườn khi cần thiết. Không nên trồng quá sau.

-Không trồng qúa dầy, thường xuyên tỉa bỏ cành bị sâu bệnh, cành không cần thiết, dọn cỏ rác… để vườn luôn khô ráo.

- Bón cân đối giữa đạm, lân và kali, tăng cường phân hữu cơ hoai mục có trộn Trichoderma, phân vi sinh, bón vôi bột để nâng cao pH đất… những cây đã bị bệnh, cần giảm bớt phân đạm, bổ sung thêm lân và kali.

- Vào mùa mưa phải dọn sạch cỏ rác tủ xung quanh gốc, để vùng gốc luôn khô ráo.

- Tránh gây vết thương ở phần gốc rễ, để hạn chế cửa ngõ xâm nhập của nấm bệnh vào trong cây.

- Nhổ bỏ cây đã bị bệnh nặng đưa ra khỏi vườn tiêu hủy, nhổ xong dùng vôi bột rải hoặc sử dụng thuốc trừ bệnh phun tưới xuống hố để khữ trùng đất, rồi mới trồng lại cây mới.

- Phải kiểm tra vườn cây thường xuyên, để phát hiện sớm và sử dụng thuốc phòng trị bệnh kịp thời.

- Có thể sử dụng một trong những loại thuốc như Bemyl 50WP, Metaxyl 500WP, Agrifos-400, Ridozeb 72WP, Alpine 80WDG, Ridomyl Gold… Về liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất có in trên nhãn thuốc.

Viết bình luận