CHỊ NÔNG DÂN PHÁ BỎ VƯỜN CÀ PHÊ, TRỒNG VƯỜN CÂY ĂN QUẢ THU HƠN NỬA TỶ/NĂM

Đó là chị Vũ Thị Thúy (35 tuổi, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), người phụ nữ một mình quản lý hơn 1ha cây ăn quả và 1ha đinh lăng. Nhờ sự bản lĩnh và chịu khó, một thân một mình nhưng chị Thúy vẫn thu về từ 500-600 triệu đồng mỗi năm từ các loại cây ăn quả.

Nhận thấy trồng cà phê mất quá nhiều công cán, lợi nhuận cũng không được bao nhiêu nên chị Thúy quyết định phá bỏ vườn cà phê đang cho thu hoạch chuyển qua trồng xen canh các loại cây ăn quả như bơ booth, sầu riêng, mít…

Vườn bơ Booth hàng trăm triệu đồng của chị Thúy sắp cho thu hoạch

Vườn bơ Booth hàng trăm triệu đồng của chị Thúy sắp cho thu hoạch

Nhớ lại duyên nợ với những loại cây ăn quả này, chị Thúy cười, nói: “Thấy trồng cà phê mất nhiều công cán, mà thu ngày càng hẻo, lúc đó con cái còn nhỏ không có thời gian nên tôi cùng anh trai sang Đăk Lăk tìm hiểu mấy mô hình trồng cây ăn quả bên đó. Sau khi về nhà, 2 anh em bắt tay ngay vào làm, tôi đã phá toàn bộ cà phê để trồng xen các loại cây ăn quả từ mít, bơ, sầu riêng. Nhưng chủ yếu vẫn là bơ, lúc ấy mua bơ Booth mà lẫn lộn với giống khác nhiều nên lên cây rồi lại cưa lấy gốc ghép với giống bơ Booth đấy, nay cũng ổn rồi trồng bơ đỡ mệt hơn trồng cà phê nhiều…”.

Bên cạnh bơ, chị Thúy còn xen canh thêm mít Thái và đinh lăng

Bên cạnh bơ, chị Thúy còn xen canh thêm mít Thái và đinh lăng

Một mình chăm sóc hơn 1ha cây ăn quả cùng 1ha cây đinh lăng, thế nhưng những cây bơ booth, sầu riêng của chị Thúy vẫn sai trĩu quả. Trên thì thu mít, dưới là những gốc đinh lăng tốt tươi.

Theo chị Thúy, riêng bơ Booth khi ra hoa và đậu quả phải đặc biệt chú ý, vì thời gian này ruồi vàng và các loại bọ cánh cứng rất thích cắn hoa và quả nên phải thường xuyên quan sát. Cứ khoảng 7-8 ngày là phải xịt thuốc 1 lần để xua đuổi những loại côn trùng này. “Với bơ Booth, thời gian thu hoạch lâu hơn bơ thường và quá trình chăm sóc hoa, trái cũng khó hơn bơ thường. Tuy nhiên, nếu kiên trì theo dõi, chăm sóc thì sản lượng cũng như giá cả lại cao hơn bơ thường rất nhiều”, chị Thúy cho hay.

Vườn cây ăn quả được chị Thúy trồng xen lẫn cây dược liệu (đinh lăng ta) ở phía dưới.

Vườn cây ăn quả được chị Thúy trồng xen lẫn cây dược liệu (đinh lăng ) ở phía dưới.

Hiện tại, nguồn thu chính của chị Thúy vẫn là hơn 100 gốc bơ Booth cho thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, chị cũng khá hài lòng với 300 cây mít Thái mỗi năm thu về 200 triệu đồng. Ngoài 2 nguồn thu chủ yếu là bơ và mít, chị Thúy còn trồng thêm sầu riêng và bơ thường mỗi năm cũng rủng rỉnh đút túi gần 100 triệu đồng từ 2 loại quả này…

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng các loại cây ăn quả, chị Thúy cho biết: “Với những loại cây như bơ, mít, sầu riêng hay bị nấm gốc, sâu đục thân nên khi trồng những loại cây này cần phải quét lên thân những loại thuốc trị nấm, vừa kháng khuẩn, vừa xua đuổi được các loại côn trùng…Bên cạnh đó, những loại cây ăn quả này không quá ưa nước, tuy nhiên gốc phải luôn được giữ ẩm. Ngoài ra không được ngưng nước, đặc biệt là khoảng thời gian cây đang ra hoa và đậu trái, nếu không khi mưa xuống cây sẽ bị xốc nước. Hồi trước nghe người khác bảo ngưng nước tôi cũng làm theo, kết quả là năm đó bơ không đậu được quả nào luôn…”.

Những cành bơ Booth sai trĩu cành

Những cành bơ Booth sai trĩu cành

Cũng theo chị Thúy cứ đến mùa bơ, bên cạnh việc đổ bán cho các thương lái ở Tây Nguyên, chị còn xuất bán ra Hà Nội. Chỉ mất ít tiền xe vận chuyển nhưng ra ngoài miền Bắc lại bán được giá cao hơn, vì mùa nắng các quán cà phê sẽ mua nhiều hơn để làm sinh tố và ngoài đó cũng hiếm bơ nên chị Thúy bán được giá cao hơn.

 

Ngoài bơ và mít, những cây sâu riêng của chị Thúy cũng rất sai quả

Ngoài bơ và mít, những cây sâu riêng của chị Thúy cũng rất sai quả

Hiện tại, chị Thúy đang chăm sóc hơn 1ha cây ăn quả và 1 ha cây đinh lăng ở vườn nhà, còn chồng chị Thúy ở Đăk Nông để chăm sóc hơn 2 ha bơ Booth. Còn mọi việc ở nhà đều do bàn tay của người vợ trẻ cán đán, cứ hết mùa chị lại tranh thủ qua thăm chồng hỗ trợ kỹ thuật cho nhau…

Viết bình luận