Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp ở Chương Mỹ

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã có nhiều khởi sắc trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, đời sống người nông dân ngày được nâng cao.

Trước đây, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ là vùng đất sỏi đá, rất khó khăn để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Theo ông Đặng Đình Bình, Chủ tịch UBND xã Trần Phú thì từ năm 2006, xã đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chính sách trợ giá giống, vật tư, kỹ thuật và vay vốn tín dụng. Những chủ trương, chính sách đó đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến công tác chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã.
Về Trần Phú những ngày đầu thu này, thay thế cho các nương sắn, đồi chè cằn cỗi là một vùng trồng cây ăn quả tập trung cho hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay, toàn xã đã có 82 hộ chuyển đổi từ cấy lúa cho hiệu quả kinh tế thấp sang mô hình cá - lúa, cho thu nhập bình quân hơn 130 triệu đồng/ha/năm. 336 hộ chuyển đổi 286 ha diện tích trồng sắn trên vùng đồi gò sang trồng cam Canh, bưởi Diễn… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.

 


Vùng sản xuất rau an toàn ở xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội).


Điểm thực hiện ruộng mẫu sản xuất rau sạch theo công nghệ Nhật Bản, mở ra triển vọng mới
trong lĩnh vực nông nghiệp ở Thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ.


Xã Trần Phú hiện có 336 hộ chuyển đổi 286 ha diện tích trồng sắn trên vùng đồi, gò sang trồng cam Canh, bưởi Diễn…
mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng 
thăm một trang trại chăn nuôi gia cầm, cung cấp sản phẩm trứng gà sạch tại Công ty Cổ phần Tiên Viên (Chương Mỹ, Hà Nội).


Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, ngoài việc xây dựng 8 trang trại chăn nuôi theo quy mô khép kín,
Công ty Cổ phần Tiên Viên (Chương Mỹ) còn liên kết với 15 trại chăn nuôi vệ tinh
tại địa phương, mỗi ngày công ty cung cấp cho thị trường khoảng 500.000 quả trứng gia cầm.


Chăm sóc lợn giống tại trang trại chăn nuôi của hộ gia đình chị Đặng Thu Thủy
ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Văn Thắng


Hộ gia đình ông Bùi Bá Tám, một trong những hộ gia đình tiêu biểu ở Thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội)
làm giàu từ nghề nuôi cá, trừ chi phí mỗi năm ông có thu nhập 200 – 300 triệu đồng.


Một góc Trung tâm huyện Chương Mỹ.


Mô hình chuyển đổi kinh tế của xã Trần Phú là là một trong nhiều mô hình thành công trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Chương Mỹ. Đây là địa phương có nhiều mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao tại xã Đồng Phú; mô hình trồng cây ăn quả bao sinh học tại thị trấn Xuân Mai, xã Trần Phú; mô hình trồng hoa lan, hoa ly tại xã Thụy Hương; mô hình chăn nuôi tập trung tại các xã Hữu Văn, Lam Điền, Đại Yên; mô hình nuôi vịt thương phẩm an toàn sinh học ở xã Tân Tiến, Hoàng Diệu; mô hình cơ giới hóa đồng bộ ở các xã Phụng Châu, Nam Phương Tiến…
Các mô hình chuyển đổi đã mang lại “làn gió mới” cho phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới ở huyện Chương Mỹ.


 

“Đến nay, toàn huyện Chương Mỹ xây dựng được 425 trang trại, doanh thu từ 600 triệu đến 2 tỷ đồng/năm/ trang trại. Huyện còn đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, với 675 máy làm đất các loại, 95 máy gặt liên hoàn, 5 máy cấy… Tính đến hết năm 2015, huyện Chương Mỹ có 10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt và cơ bản đạt 17 - 18 tiêu chí”.
(Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng)

Viết bình luận