Có thể làm giàu bằng hồng xiêm

Cây hồng xiêm (bà con phía Nam gọi là cây Xa-bô. Nó bắt nguồn từ tiếng Pháp là Sapotille và tiếng Anh là Sapodilla) được trồng rất phổ biến ở khắp các miền. Hầu như các nhà có vườn rộng đều trồng một vài cây hồng xiêm.

Thậm chí ở thành phố, có nhà chỉ có khoảng sân rộng mươi mét vuông nhưng cũng chọn cây hồng xiêm là cây duy nhất trồng vào đó. Lá hồng xiêm xanh quanh năm (vì quanh năm nó ra lá mới), tán cây rộng nên nó vừa là cây che mát, vừa cho ta thu quả.
Khi dâng lễ lên chùa, vào mùa hồng xiêm, bà con thường chọn nó trước khi chọn các loại quả khác. Người ta thường phải tính ngày để hái và dấm hồng xiêm sao cho tới ngày mồng 1 hoặc ngày rằm nó sẽ chín. Hiện nay, chúng tôi đã giúp bà con cách dùng Etilen để làm cho quả hồng xiêm chín nhanh. Khi được xử lý, chỉ 2-3 ngày sau là nó chín. Cách này thuận lợi hơn nhiều.vQuả hồng xiêm (nếu chọn được giống tốt) là loại quả cao cấp. Nó được xếp trên cả nhãn, vải, na, chuối, đu đủ, mít... Hàm lượng các chất dinh dưỡng của nó rất cao. Thêm vào đó, vị ngọt đặc sắc của hồng xiêm thì hiếm có loại nào vượt nổi. Vì vậy, ai cũng muốn trong nhà trồng được 1 vài cây hồng xiêm.

Hồng xiêm dễ trồng và có thể trồng trên nhiều loại đất. Người ta trồng hồng xiêm từ vùng ven biển lên tới tận núi cao. Nó có thể sống được ở vùng cao tới 2.500m, nhưng nếu dưới 1.500m thì tốt hơn. Nó chịu hạn được vì rễ ăn rất sâu.

Vùng ven biển, hồng xiêm vẫn mọc rất tốt. Nó chịu mặn khá. Tuy nhiên, thích hợp nhất vẫn là các loại đất màu mỡ, dễ thoát nước, tơi xốp và ở nơi đủ ánh sáng. Có nhiều giống hồng xiêm. Ở phía Nam có các giống xa-bô ta và xa-bô xiêm (xa-bô lòng mứt và xa-bô Cần Thơ). Ngoài ra còn có xa-bô dây ở Sóc Trăng và xa-bô Bến Tre.

Ở phía Bắc thì nổi tiếng có hồng xiêm Xuân Đỉnh. Để nhân giống hồng xiêm, ta có thể nhân từ hạt, chiết cành hoặc ghép (tháp). Nhân từ hạt tuy dễ nhưng lâu cho quả và không giữ được tính trạng tốt của cây mẹ. Phổ biến vẫn là chiết cành.

Xin lưu ý bà con, sau khi khoanh vỏ, ta để ít ngày cho nhựa ra bớt, sau đó rửa qua rồi để khô. Lúc này mới bôi chất kích thích ra rễ và bó lại. Khi chỗ chiết rễ đã ra đầy, ta cắt cành chiết nhưng không mang đi trồng ngay. Ta xé bầu và giâm nó xuống cát ẩm độ một tuần. Rễ thứ cấp sẽ ra tua tủa. Lúc này ta cắt bớt lá của cành chiết và đưa đi trồng.

Hiện nay, một số nơi lại dùng phương pháp ghép (tháp). Có thể ghép cành hoặc ghép áp. Việc này có thể thực hiện quanh năm. Cây ghép thường chỉ 2 năm là đã cho quả. Tuy hồng xiêm chịu được hạn nhưng trong thời cây còn nhỏ, phải chú ý tưới cho cây, ít nhất cũng 2 lần/tuần. Nhưng vào mùa mưa thì lại phải lo thoát nước cho cây.

Hồng xiêm không ưa sũng nước. Ở đồng bằng sông Cửu Long bà con thường trồng hồng xiêm ra ruộng. Ta phải líp luống lên cao và có mương thoát nước. Nếu khéo trồng, hồng xiêm sẽ cho ta thu nhập gấp 5-10 lần lúa. Tuy nhiên, để cây sai quả, ta phải chú tăng cường phân cho nó. Phân hữu cơ là tốt nhất.

Nhiều nơi dùng bùn ao đắp lên quanh gốc. Ta vẫn phải bổ sung thêm phân hữu cơ. Có thể bón chúng vào hốc hoặc đào rãnh quanh gốc để cho phân. Đối với cây con, ta hòa nước và tưới cho chúng. Khi trồng hồng xiêm còn phải chú ý tới việc xén, tỉa bớt các cành già, cành ở sâu trong lùm, cành bị sâu bệnh hoặc các cành tược (cành mọc thẳng đứng). Ta nên thực hiện vào lúc sau thu hoạch.

Đừng coi thường, có thể làm giàu bằng hồng xiêm đấy!

 

Viết bình luận