Đại gia Việt làm nông nghiệp có thực sự vì người tiêu dùng?

Viện trưởng Viện KH CN Nông nghiệp ASEAN Hoàng Trọng Nguyên cho rằng các đại gia làm nông nghiệp ở Việt Nam chưa thực sự vì lợi ích người tiêu dùng.
 

[​IMG]


Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang hướng dẫn và chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành nguồn vốn để cho vay với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới một nền nông nghiệp Việt Nam thực sự phát triển sánh tầm quốc tế trong thời gian không xa.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Nông nghiệp ASEAN Hoàng Trọng Nguyên cho rằng làm nông nghiệp công nghệ cao tức là trong quá trình sản xuất, bộ máy được tổ chức có khoa học, giúp tiết kiệm chi phí, người lao động được an nhàn, sản phẩm tạo ra có chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao nhất.
- Gần đây, nhiều đại gia bất động sản, tài chính ngân hàng chi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Theo đánh giá của ông, họ đã đi đúng đường chưa?

Ông Hoàng Trọng Nguyên: Tôi thấy những doanh nghiệp nhận được nguồn vốn ưu đãi từ Chính phủ mới chỉ tập trung đa số là trồng rau trong khi người tiêu dùng không chỉ ăn rau, họ còn cần có thịt gà, bò, lợn, cá… Chưa có đơn vị nào đứng ra làm thật để người dân được thưởng thức chất lượng thật của sản phẩm.
Sản phẩm họ làm ra mới chỉ giúp một phần nào người tiêu dùng không phải ăn thực phẩm bẩn nữa chứ giá thành còn cao và vị không ngon bằng sản phẩm tự nhiên vì đa số máy móc, thiết bị họ phải nhập ngoại. Ngay cả phân bón vi sinh họ cũng phải nhập từ nước ngoài.
Họ làm nông nghiệp để làm hình ảnh, giúp nâng cao giá trị tài sản ảo từ nguồn tiền thật của Nhà nước và vốn vay ngân hàng. Khoản vốn ưu đãi đó một phần được sử dụng để mua máy móc, thiết bị hiện đại từ nước ngoài, thay thế người lao động Việt.

 

[​IMG]


Viện trưởng Viện KH CN Nông nghiệp ASEAN Hoàng Trọng Nguyên:nên tổng rà soát lại số liêu dùng thực trong dân để sản xuất đủ dùng và tập trung vào công nghệ bảo quản, sản xuất hàng hoá sau thu hoạch để xuất khẩu
Máy móc có thể giúp nâng cao năng suất lao động, nhưng sản phẩm do chúng tạo ra không có độ ngon, ngọt như trong tự nhiên. Chưa kể không ai kiểm chứng được giá thành, hiệu quả của các công nghệ, máy móc đó trong khi người lao động mất việc làm, không còn đất để sản xuất, tiền đền bù không biết sử dụng hiệu quả dễ nảy sinh tệ nạn.
Đầu tư nông nghiệp không cần như thế! Các doanh nghiệp này cần tạo ra một bộ sản phẩm với quy trình sản xuất độc lập, tự chủ, không phụ thuộc nước ngoài, đặc biệt cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế thay vì chỉ để ý tới năng suất.
- Làm nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam có thuận lợi, khó khăn gì thưa ông?
Ông Hoàng Trọng Nguyên: Chính phủ vừa đưa ra một số gói kích cầu ở lĩnh vực này, nhưng thực tế cho thấy nhiều đơn vị, cá nhân muốn làm nông nghiệp công nghệ cao chưa/khó tiếp cận với các gói tài chính ưu đãi đó. Đa số vốn ưu đãi dành cho các doanh nghiệp lớn có “quan hệ” còn những doanh nghiệp làm thực sự thì khó tiếp cận nguồn vốn đó. Hoặc nếu có may mắn tiếp cận được thì khi tới tay cũng không còn được bao nhiêu để thực hiện dự án do phải lobby, chung chi cho các mối quan hệ sau để lấy được gói đó.
Không chỉ thế, trong quá trình hoạt động, họ chưa nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cơ quan chuyên trách trên địa bàn. Tôi từng chứng kiến doanh nghiệp đến cơ quan thú y huyện Sóc Sơn đăng ký, làm thủ tục gặp nhiều khó khăn, phải chờ đợi rất lâu.
Muốn làm nông nghiệp phải có tiền thật vì khi có tiền thật, những người thực hiện mới chuyên tâm vào việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm được còn nếu vừa làm vừa lo trả nợ thì có thể có gian dối.
- Đó có phải là lý do chính khiến nông sản Việt Nam chưa thể vươn ra thế giới?
Ông Hoàng Trọng Nguyên: Ngoài thực tế trên còn một nguyên nhân nữa là chúng ta đã đánh mất nhiều loại gen quý. Chúng hiện nằm trong kho của nước ngoài. Các nhà khoa học như chúng tôi khi sang đó ngoại giao, đưa gen quý về lại Việt Nam rất khó khăn do phía hải quan cho rằng đó là những vật ngoại lai để đủ thủ tục nhập vào được rất khó khăn.

- Theo ông sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của chúng ta liệu có thể cạnh tranh được với đối thủ ngoại?
Ông Hoàng Trọng Nguyên: Tôi nghĩ trong tương lai gần thì khó, thậm chí không thể cạnh tranh được với nước ngoài vì nền nông nghiệp của chúng ta còn manh mún, nhỏ lẻ, các khâu chưa liên kết được với nhau. Đơn cử ngành chăn nuôi phải nhập 60-70% nguyên liệu từ nước ngoài, ngành trồng trọt cũng phải nhập phân bón, thuốc trừ sâu ngoại…, rủi ro cao khi những thứ nhập ngoại không đảm bảo chất lượng.
Rất ít đơn vị chăn nuôi tự tạo được thức ăn cho gia súc, gia cầm từ những thứ sẵn có trong trang trại, những phế, phụ phẩm sau khi thu hoạch sản phẩm. Chúng ta nhập máy móc, nguyên vật liệu của họ về phục vụ sản xuất thì chắc chắn giá thành sản phẩm của ta sẽ cao hơn họ. Cộng thêm việc một số nông sản như rau rất khó bảo quản lâu nên lại càng khó.
Do đó, muốn cạnh tranh được với đối thủ ngoại, người Việt cần sản xuất nông nghiệp theo mô hình khép kín. Khi đó, chỉ cần bán sản phẩm ra thị trường với giá thành cao hơn thực phẩm bẩn từ 10-15% là doanh nghiệp đã có lãi. Nếu nhận được gói ưu đãi tài chính từ Chính phủ, các ngân hàng, giá thực phẩm sạch có thể sẽ rẻ hơn thực phẩm bẩn rất nhiều, khoảng 30-40%.
- Ông có đề xuất nào giúp nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam phát triển không?
Ông Hoàng Trọng Nguyên: Theo tôi, các cơ quan có thẩm quyền nên tổ chức hội thảo để có định hướng rõ thế nào là nông nghiệp công nghệ cao, xây dưng lại quy trình các bước cụ thể thực hiện theo hai tiêu chí quan trọng là độc lập, tự chủ, không phụ thuộc nước ngoài.
Nên tận dụng những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam để bố trí cây trồng 
vật nuôi phù hợp cho ra sản phẩm chất lượng hữu cơ sạch, có giá trị kinh tế cao. Cũng nên tổng rà soát lại số liêu dùng thực trong dân để sản xuất đủ dùng và tập trung vào công nghệ bảo quản, sản xuất hàng hoá sau thu hoạch để xuất khẩu.
- Xin cảm ơn ông!

Viết bình luận