ĐBSCL: Hàng ngàn hécta cây ăn trái bị sâu bệnh hại

Chiều 7-4, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi, mưa trái mùa xuất hiện liên tục, độ ẩm cao… tạo điều kiện cho dịch bệnh gây hại trên nhiều loại cây ăn trái. Theo ước tính, những ngày qua có khoảng 2.000 ha diện tích cây ăn trái bị sâu bệnh gây hại như ghẻ, loét trái, sâu đục trái, chổi rồng, bọ xít, bệnh vàng lá…

Tại Bến Tre, Đồng Tháp… nhiều vườn cây ăn trái, nhất là cây có múi cũng bị sâu bệnh tấn công, làm chất lượng trái bị ảnh hưởng. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trị, thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm các loại bệnh và trị kịp thời; cắt tỉa cành, nhánh cây bị bệnh, phun thuốc phòng ngừa để tránh lây lan dịch bệnh ra diện rộng…

Thương lái thu mua cây giống ở Chợ Lách đưa đi tiêu thụ các nơi

Cũng trong chiều 7-4, tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết: Gần đây, cây giống các loại ở huyện Chợ Lách rất hút hàng và giá tăng cao. Hiện thương lái các nơi kéo về Chợ Lách thu mua giống cây ăn trái các loại như mít, xoài, chôm chôm, bưởi da xanh, vú sữa, bơ sáp, thanh long… đưa đi các nơi tiêu thụ. Trong đó, thị trường Tây Nguyên và Đông Nam bộ tiêu thụ mạnh nhất. Bên cạnh đó, cây giống ở Chợ Lách còn được xuất tiểu ngạch sang Lào và Campuchia. Do nhu cầu thị trường tăng cao, nên giá cây giống đang tăng khoảng 25-35% so năm trước. Trong đó, tăng mạnh nhất là mít giống từ 15.000- 20.000 đồng/cây tăng lên 50.000- 70.000 đồng/cây.

 

Hàng năm, huyện Chợ Lách sản xuất và cung ứng cho thị trường các nơi khoảng 18 triệu cây giống các loại, đứng đầu khu vực ĐBSCL…

Viết bình luận