Doanh nghiệp tung 'hoả mù', vẫn không xử lý được - do đâu?

Qua câu chuyện nhộn nhạo thị trường giống lúa kháng (chống) bạc lá, tình trạng vốn đã tái diễn trong nhiều vụ bán giống, thì có thể nói cơ quan quản lý nhà nước về giống cây trồng chưa làm tròn trách nhiệm. Còn doanh nghiệp giống cây trồng không chỉ lạm dụng niềm tin, đi xa hơn họ đã bán đứng niềm tin mà người nông dân trao gửi.  

Lợi dụng “lỗ hổng” pháp lý thế nào?

Ông Trương Hải Lưu, Giám đốc Cty tư nhân Lưu Tuyết (đơn vị kết nghĩa với xã Chất Bình, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, được tỉnh yêu cầu chuyển giao KHKT về giống cây trồng, tìm đầu ra sản phẩm nông nghiệp của địa phương theo Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Ninh Bình) chia sẻ: "Hiện nay, chúng tôi đang cung ứng và xây dựng mô hình sản xuất giống lúa Bắc thơm 7 (BT7) kháng bạc lá của Cty CP Giống cây trồng Hải Dương tại một số xã nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Mô hình này giúp bà con thoát khỏi thiệt hại do mất mùa vì bệnh bạc lá.

16-33-01_bc-l2
Giống lúa Bắc thơm 7 thường được "nổ" là có khả năng chống bạc lá bán tràn lan trên thị trường.

Thế nhưng, trên thị trường lúa giống hiện nay đang rất hỗn loạn. Nhân viên kinh doanh của các công ty khác đưa hàng về tận HTX, giống không chống được bạc lá cũng cứ ghi vào đó để lừa dân, kết quả là nhiều ruộng lúa đã bị thiệt hại nặng. Thu nhập của người trồng lúa vốn đã thấp, nay lại dính đòn mất mùa vì dịch bệnh tấn công thì khổ quá".

Vì sao các doanh nghiệp ở Việt Nam “chạy đua” quảng cáo khả năng kháng bạc lá của giống lúa không đúng với đặc tính giống mà không sợ bị “gờ gáy"? Chúng tôi phải dày công thuyết phục (và cam kết giấu tên nhân vật trong bài viết), ông X - Giám đốc doanh nghiệp trong ngành giống (từng quảng cáo sai sự thực về tính năng kháng/chống bạc lá của giống BT7 trên bao bì sản phẩm) mới dám tiết lộ về những lỗ hổng pháp lý trong SXKD giống.

Thứ nhất, cơ quan quản lý Nhà nước chủ yếu xử lý các vi phạm về sai lệch mẫu mã, bao bì, tỷ lệ nảy mầm của hạt giống, lẫn tạp chất trong sản phẩm hoặc có khiếu kiện khi xảy ra thiệt hại trên đồng ruộng hay vi phạm bản quyền.

Trong lĩnh vực thương mại giống cây trồng, có hai thứ mà lực lượng chức năng rất ngại “sờ” đến, đó là xác định độ thuần và độ đúng giống. Bởi dẫu có đem về phòng thí nghiệm để xác định được hệ gen của một giống lúa, thì kết quả chạy gen cũng chỉ là tài liệu mang tính chất tham khảo và kết luận nhanh thôi, chứ không thể đem ra toà để phán xử được.

Muốn xử lý thì phải đưa nội dung chạy gen xác định giống lúa vào luật, mà ở Việt Nam chưa xây dựng được các quy định này. Thành thử, muốn chứng minh đó là giống giả hay giống thật thì phải tổ chức sản xuất trên thực địa, sau đó đối chiếu với kết quả khảo nghiệm DUS của giống gốc. Quá trình ấy rất tốn thời gian, tiền bạc nên rất ít tiêu cực bị phanh phui.  

Tăng cường kiểm tra ngẫu nhiên, công khai vi phạm

Theo vị giám đốc trên, muốn chấm dứt tình trạng nhộn nhạo trong làng giống hiện nay thì phải có chế tài răn đe thật mạnh. Ở Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, cơ quan quản lý giống đặc biệt coi trọng hoạt động kiểm tra ngẫu nhiên theo kiểu “quay xổ số”.

Khi đã xác định được doanh nghiệp SXKD giống để thanh tra, phải thành lập đoàn liên ngành cùng vào cuộc và xử lý thật nghiêm (truy tố trách nhiệm hình sự, rút giấy phép hoạt động và cấm lưu hành vĩnh viễn sản phẩm trên thị trường, công khai sai phạm trên phương tiện thông tin đại chúng). Có như vậy, các doanh nghiệp khác sẽ nhìn vào mà “khiếp vía”, không dám làm bừa.

Còn ở Việt Nam, không phải kết luận thanh tra nào cũng được công khai và chế tài xử lý vẫn còn quá nhẹ. Trách nhiệm chính của cơ quan quản lý chuyên ngành về giống cây trồng ở Trung ương là nghiên cứu, đề xuất, xây dựng một bộ khung pháp lý đủ mạnh, hiệu lực thực thi về quản lý giống chứ không phải “tung quân” về địa phương để kiểm tra, xử phạt. Nếu không có khung pháp lý tốt, dù bộ máy thanh tra, pháp chế có hùng hậu đến mấy, cũng không đủ sức ngăn chặn.

Tháng 6/2016, sau khi loạt bài “ma trận” giống lúa kháng bạc lá” được đăng tải, Cục Trồng trọt đã có công văn phản hồi thông tin với Báo NNVN.

Theo đó, Cục Trồng trọt cho rằng: “Việc giới thiệu trên bao bì tính năng kháng bạc lá của một số doanh nghiệp là thiếu cơ sở khoa học, vi phạm một số quy định về quảng cáo và nhãn mác sản phẩm: “Nói quá và sai sự thật đặc tính của sản phẩm; hoặc không có cơ sở khoa học chứng minh cũng như kiểm tra, khẳng định đặc tính đó là đúng sự thật”. Việc giới thiệu này gây hiểu sai và ảnh hướng đến sản xuất cũng như tạo ra sự "rối loạn”, mất phương hướng lựa chọn của nông dân.

16-33-01_bc-l3
Bệnh bạc lá diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nhất là trong vụ mùa

Cục Trồng trọt đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh giống các tỉnh phía Bắc tuân thủ các quy định về nhãn mác, quảng bá, giới thiệu tính năng đúng sự thật của sản phẩm trên bao bì. Các giống có đặc điểm kháng bạc lá phải được công bố sự có mặt của gen kháng bạc lá (Xa...) bằng kết quả phân tích gen của các cơ quan chuyên ngành; công bố kèm theo công bố hợp chuẩn hợp quy và tiêu chuẩn chất lượng.

“Trên thị trường các giống kháng bạc lá hiện nay, tôi có cảm giác như “cỏ nhiều hơn cây", cái xấu đang lấn át cái tốt. Thậm chí, một số công ty giống cây trồng uy tín trên thị trường cũng quảng cáo thiếu cơ sở khoa học về giống lúa. Nói thật có những doanh nghiệp giống lâu nay vốn nổi tiếng làm ăn chân chính như Cty CP Giống cây trồng Miền Nam, Cty TNHH Giống cây trồng Nam Dương cũng quảng cáo giống kháng bạc lá... thì nông dân còn biết tin ai đây?”, một công ty cung ứng giống cho biết.

Đồng thời, Cục Trồng trọt cũng sẽ thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp với Sở NN-PTNT các tỉnh phía Bắc kiểm tra chất lượng các giống trên thị trường nói chung và các giống có quảng bá tính kháng bạc lá nói riêng để chấn chỉnh công tác cung ứng giống mà Báo NNVN đã phản ánh. Các trường hợp “nhái” nhãn mác, chất lượng không đảm bảo, công bố mập mờ gây hiểu nhầm cho người sử dụng sẽ được kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý theo luật định.

Thế nhưng, đến vụ mùa năm 2017, tình trạng nhiễu loạn thông tin về giống lúa kháng bạc lá vẫn tiếp tục được tái diễn với tính chất phức tạp và khó lường. Vậy, câu hỏi đặt ra là: Chất lượng của hoạt động thanh, kiểm tra và xử lý sai phạm trong việc quảng cáo kinh doanh giống cây trồng ở nước ta đến đâu? Phải chăng cơ quản lý Nhà nước về giống cây trồng cứ "phán" vậy rồi bỏ đó nên mới xảy ra tình trạng vụ giống năm sau vẫn y chang, thậm chí còn tệ hơn năm trước? 

Qua tìm hiểu của nhóm phóng viên, sự nhập cuộc của thanh tra chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực giống cây trồng ở mỗi tỉnh mỗi khác, nơi làm mạnh tay nhưng nơi lại không công khai kết quả thực hiện và chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương.  

Đánh trống xong, quẳng rùi đi?

Chánh thanh tra Sở NN-PTNT một tỉnh ở ĐBSH (đề nghị giấu tên) chia sẻ: Hiện nay, nhiều công ty giống kinh doanh giống cây trồng không thông qua Sở NN-PTNT các tỉnh mà tự chuyển về các đại lý. Do cơ cấu giống khá đa dạng và liên quan đến nhiều công ty nên rất khó quản lý.

“Sản phẩm nào họ cũng lợi dụng khả năng kháng bạc lá, chống bạc lá với không bạc lá. Và chúng tôi chủ yếu chỉ xử phạt các đại lý về việc kinh doanh giống lúa quảng cáo nhãn mác sản phẩm không chuẩn xác, chứ không biết làm gì hơn", vị này tỏ ra bất lực.

Hiện tại, Thanh tra Sở chưa thể xử lý được công ty sản xuất giống chưa được phép kinh doanh trên thị trường. Bởi, theo quy định, giá trị hàng hoá phải từ 10 triệu đồng trở lên thì mới xử phạt được. Lợi dụng quy định này, các công ty thường xé lẻ hàng hoá ra nhiều đại lý, cửa hàng khác nhau, vì vậy việc kiểm tra để “gom” đủ số lượng hàng hoá mất rất nhiều thời gian.

Ngay cả quy định về việc tạm giữ hàng hoá chẳng hạn, nếu mình phát hiện một giống lúa nào đó, có thể là chất lượng không đúng hoặc độ lẫn giống cao, hoặc vi phạm quy định nào đó, đoàn thanh tra chỉ được phép lấy mẫu đi kiểm nghiệm chứ không được thu giữ hàng hoá. Mà kiểm định thì phải mất 7 ngày mới xong.

"Chúng tôi phải đi lấy rất nhiều mẫu, sau đó kiểm định cho thật chắc chắn để có căn cứ xử lý. Tuy quy định hiện hành đang trói buộc việc thanh tra, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giống cây trồng, nhưng nếu cơ quan chức năng làm gắt thì chắc chắn tình trạng trên sẽ giảm đi nhiều ở các vụ sau", vị Chánh Thanh tra nói thêm.

Viết bình luận