‘Giải cứu dưa hấu, thịt lợn’ chỉ dành cho nền nông nghiệp thất bại

Một đất nước lấy nông nghiệp làm gốc thì không thể sản xuất tự phát, manh mún và phụ thuộc vào thương lái của bất kỳ quốc gia nào khác, giải cứu không phải là cách giải quyết vấn đề.

Đến hẹn lại lên, mỗi năm người Việt lại có vài ba cuộc giải cứu nông sản cho người nông dân. Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh người nông dân lấm lem bùn đất, đứng giữa vườn dưa hấu đang mùa thu hoạch mà nước mắt lưng tròng. Lũ sắp về, hàng nghìn ha dưa hấu của người nông dân chưa có thương lái tới thu mua.

Dựa vào sức mạnh của cộng đồng mạng, một cuộc giải cứu dưa hấu ngoạn mục của Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi đã phát huy hiệu quả. Hàng nghìn chuyến xe tải đã tỏa đi các tỉnh với tinh thần "giải cứu dưa hấu" cho bà con vùng lũ được thực hiện một cách hăm hở và sôi nổi. Khoảng một tuần, gần như cách đồng dưa được bán hết veo.

Thời điểm đó, người người ăn dưa hấu, nhà nhà ăn dưa hấu. Những cơ quan công sở cũng ủng hộ người nông dân bằng cách mua dưa hấu cho nhân viên liên hoan. Tại thủ đô Hà Nội, những tụ điểm bán dưa hấu đông đúc, nhộn nhịp người qua lại. Vụ việc còn thu hút được cả hoa hậu, người mẫu, diễn viên tới chung tay "giải cứu dưa hấu".

Về giá cả, mỗi kg dưa hấu Quảng Ngãi chỉ 5 ngàn đồng. Giá này không đắt nhưng cũng không quá rẻ đối với giá dưa hấu trên thị trường. Mỗi quả dưa nặng trung bình từ 7 đến 10 kg. Sự việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu quả dưa 10kg lại ngon, ngọt và mát như những trái dưa bình thường khác.

Trái dưa mà người dân giải cứu phần đa nhạt nhẽo, có quả ruột còn trắng ởn ăn không có hương vị của dưa hấu. Người dễ tính thì tặc lưỡi "ờ thì mua dưa để ủng hộ nông dân nên sao cũng được", người khó tính lại càu nhàu "chất lượng dưa thế này bảo sao không thương lái nào tới mua".

Sự việc sẽ chỉ dừng lại ở hành động đẹp "tương thân tương ái" của người Việt nếu như những năm sau người nông dân Quảng Ngãi không tiếp tục cần những cuộc "giải cứu dưa hấu". Không hào hứng như những lần đầu, báo chí cũng ít thông tin hơn, người dân cả nước cũng không còn hào hứng với việc mua dưa ủng hộ đồng bào. Nguyên nhân phần đa cũng do chất lượng dưa quá tệ.

Nhiều gia đình chỉ mua dưa về thắp hương cho đẹp. Thắp hương xong bổ ra, vì nhạt cả nhà không ai ăn nên lại đổ vào thùng rác. Thức ăn mà đổ vào thùng rác rất phí nên nhiều người quyết định từ bỏ việc "giải cứu dưa hấu".

Tại sao người nông dân Quảng Ngãi không trồng quả khác, tại sao năm nào cũng là quả dưa hấu nhạt nhẽo và kém về chất lượng? Nhiều người lý giải do đất miền Trung cằn cỗi nên chỉ trồng được loại dưa này mà không trồng được những loại cây khác. Người nông dân vốn cần cù, chịu khó nên để đất hoang lại tiếc. Bởi vậy, dù biết bán với giá rất rẻ, thậm chí không bán được người nông dân vẫn trồng.

Nghe lý do này tưởng chừng như hợp lý, thế nhưng hãy nhìn sang các nước nó nền nông nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc... Tại sao, dù đất nông nghiệp của Nhật Bản nghèo nàn chất dinh dưỡng hơn đất nông nghiệp của Việt Nam rất nhiều nhưng họ lại trồng được những loại nông sản có giá trị cao cả về số lượng lẫn chất lượng(?).

Chắc chắn, không thể lấy đất ra để làm lý do cho bởi điều kiện quan trọng vẫn là do phương thức canh tác, trình độ con người và cách quản lý của chính quyền địa phương. Thay bằng việc giải cứu, tại sao chúng ta không dành thời gian, tiền bạc, công sức tính toán, nghiên cứu những lại cây có thể đem lại giá trị cho người nông dân.

Bởi vậy, câu chuyện về giải cứu quả dưa hấu chưa lịp lắng xuống thì mới đây người nông dân Việt Nam lại tiếp tục điêu đứng vì con lợn. Sau khi bị thương lái Trung Quốc từ chối thu mua qua đường tiểu ngạch, hàng triệu con lợn thịt của Việt Nam vẫn đang ngày ngày "ăn sổ đỏ" của người nông dân.

Sự việc nóng tới mức bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phải ra công văn kêu gọi "toàn dân ăn thịt lợn". Mới đây, trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, câu chuyện con lợn cũng được đưa ra bàn luận và nóng hơn bao giờ hết.

Một quả dưa "giải cứu" có ruột trắng ởn. 

Khác với quả dưa hấu, để giải cứu thịt lợn cho người nông dân không dễ bởi ăn thịt đâu dễ như ăn hoa quả. Thiệt hại mà người chăn nuôi Việt Nam đang phải chịu từ con lợn không phải là con số hàng trăm mà lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Nhiều gia đình nông dân cắm sổ đỏ hàng trăm triệu đồng để đầu tư chăn nuôi nhưng đến ngày lợn xuất chuồng lại không bán được. Giá bán cũng ở mức thấp nhất trong lịch sử, chỉ có 16 ngàn đồng/kg. Với giá bán này thậm chí còn rẻ hơn nhiều loại rau, củ quả trên thị trường.

Chất lượng thịt lợn cũng khiến người tiêu dùng nghi ngại bởi hiện nay người nông dân nuôi lợn gần như hoàn toàn bằng hình thức công nghiệp. Các công ty sản xuất cám công nghiệp để bán được sản phẩm sẵn sàng đầu tư thức ăn chăn nuôi cho người nông dân. Người nông dân vì không mất ít vốn mà vẫn có thể chăn nuôi nên nhanh chóng tăng đàn và đầu tư chuồng trại.

Đó là còn chưa kể đến, thức ăn chăn nuôi chưa nhiều thành phần chất tạo nạc, chất kích thích tăng trưởng nên lợn thương phẩm lớn nhanh như thổi. Đến khi Trung Quốc không thu mua, người tiêu dùng trong nước cũng quay lưng thì đã muộn.

Tiền cám nợ công ty thức ăn chăn nuôi đến kỳ hạn vẫn phải trả. Lợn trong chuồng trại thì không bán thì lỗ mà không bán thì khổ. Bởi vậy, nhiều gia đình đã rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu vì con lợn.

Về câu chuyện giải cứu nông sản ở Việt Nam, tôi vẫn còn nhớ đánh giá của một vị giáo sư đầu ngành về nông nghiệp: "Chúng ta vẫn đang sống ở một nền nông nghiệp tự phát, nơi mà người quản lý trình độ tư duy yếu kém, người nông dân sản xuất còn manh mún và lạc hậu.

Người ta dù biết giá rẻ, bị chèn ép, không bán được nhưng vẫn trồng, vẫn nuôi vì đang bế tắc hoang mang và không tìm ra được con đường nào khác. Chẳng lẽ, lại để đất hoang hóa rồi lũ lượt kéo nhau lên thành thị làm thuê hoặc làm công nhân trong các xí nghiệp, nhà máy.

Trong các cuộc họp, chúng ta vẫn nghe những vị lãnh đạo phát biểu: "Các đồng chí phải nghiên cứu cho người nông dân trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả đạt kinh tế cao". Thế nhưng đến nay, tại sao người nông dân vẫn chưa biết "trồng cây gì, nuôi con gì" cho có hiệu quả.

Một đất nước lấy nông nghiệp làm gốc thì không thể sản xuất tự phát, manh mún và phụ thuộc vào thương lái của bất kỳ quốc gia nào khác. Bởi vậy, giải cứu không phải là cách giải quyết vấn đề, giải cứu chỉ dành cho một nền nông nghiệp thất bại.

Viết bình luận