HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU TỪ MÔ HÌNH TRỒNG CHUỐI TÂY THÁI LAN Ở YÊN ĐỒNG

Với phương châm hỗ trợ nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập trên diện tích đất canh tác, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Yên Mô đã tập trung xây dựng các mô hình điểm để rút kinh nghiệm, nhân diện rộng. Một trong những mô hình đem lại hiệu quả cao, đó là mô hình trồng chuối Tây Thái Lan ở xã Yên Đồng. Qua 1 năm triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho Yên Đồng- vùng đất vốn được coi là “đồng trắng nước trong”.

Vườn chuối Tây Thái Lan của bà Vũ Thị Đê sinh trưởng, phát triển tốt đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.

Anh Phạm Thúc Kinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Đồng cho biết: Đón nhận sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, Phòng Nông nghiệp huyện về xây dựng mô hình điểm trồng chuối Tây Thái Lan, Hội Nông dân xã đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả mô hình này. 

Do đặc thù Yên Đồng là vùng đất trũng nên việc cấy lúa kém hiệu quả, nông dân thường không “mặn mà” với sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, số diện tích đất 5% của xã thường để hoang hóa. 

Trước thực tế trên và sau khi được đi tham quan học tập kinh nghiệm ở Hải Dương, nhận thấy đây là mô hình có thể áp dụng vào đồng đất trũng của xã, Hội Nông dân Yên Đồng đã chủ động tham mưu với UBND xã, tích cực tuyên truyền hội viên tham gia thực hiện mô hình trên diện tích đất 5% của xã. Theo đó, xã đã quy hoạch vùng trồng gồm 2 ha và giao cho các hộ dân đảm nhiệm. 

Những ngày đầu khi mới triển khai mô hình, cán bộ Hội Nông dân xã đã tích cực “bám ruộng” cùng bà con để đôn đốc tiến độ thực hiện cũng như kịp thời hỗ trợ về mặt kỹ thuật. 

Để nông dân có kỹ thuật trồng chuối, Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức nhiều buổi tập huấn, nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới cho người dân, đảm bảo sản xuất ăn chắc.

Thực hiện mô hình trồng chuối Tây Thái Lan, xã Yên Đồng đã quy hoạch vùng trồng 2 ha ở thôn Giải Cờ. Trên diện tích trên, các hộ đã trồng gần 2.000 gốc chuối. Điểm đặc biệt của mô hình này là ngoài trồng chuối Tây Thái Lan, nông dân có thể tận dụng những rãnh nước ở giữa những dãy chuối (được đào rộng khoảng 8m) kết hợp thả các giống cá có năng suất cao như: trắm, chép, trôi…. để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. 

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng giống chuối Tây Thái Lan, ông Phạm Trọng Nguyễn, thôn Giải Cờ cho biết: Chuối Tây Thái Lan rất được ưu chuộng trên thị trường bởi chuối ngon, lại có ngoại hình bắt mắt vì quả có vỏ bóng và vàng. 

Đây cũng là giống cây cho năng suất, chất lượng cao hơn so với nhiều giống chuối khác nếu được trồng đúng quy trình và phù hợp với chất đất ở địa phương. 

Do là giống ưa nhiệt nên cần phải trồng sớm. Trước khi trồng đất phải được làm sạch cỏ dại, cải tạo và cần phải dùng phân chuồng bón lót trước, sau khi chuối lên xanh tốt có thể bón thêm các loại phân đạm khác giúp cây cứng cáp, ít sâu bệnh và khi ra buồng mẫu mã đẹp.

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình trồng chuối Tây Thái Lan, anh Phạm Thúc Kinh hồ hởi: Bây giờ chuối đã phủ xanh trên vùng đất trũng này, các cán bộ Hội nông dân xã cũng cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Điều quan trọng hơn cả là nông dân đã thấy được lợi ích của việc chuyển đổi ruộng trũng nên rất phấn khởi. 

Bà Vũ Thị Đê, một trong những nông dân tham gia mô hình trồng chuối Tây Thái Lan ở thôn Giải Cờ phấn khởi cho biết: Sau gần 1 năm triển khai, đến nay vườn chuối Tây Thái Lan của gia đình đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa đầu tiên. Cây mẹ cho từ 8-9 nải/buồng, các cây con lứa sau cho từ 12-14 nải/buồng. 

Hiện nay thị trường đầu ra của sản phẩm này tương đối ổn định. Đến vụ thu hoạch, các lái buôn trong và ngoài tỉnh đến đặt trước và thu mua tại vườn. Giống chuối Tây Thái Lan không chỉ cho thu nhập từ quả, cây chuối non làm giống mà tất cả các phụ phẩm khác từ giống cây này đều có thể thu hoạch và sử dụng được. 

Lá, hoa, thân chuối cũng đều được thu mua. Hoa chuối thường được bán cho các nhà hàng để chế biến thành thực phẩm với giá từ 8.000 – 10.000 đồng/hoa, thân chuối bán cho các hộ chăn nuôi làm thức ăn cho gia súc, gia cầm với giá 5.000 – 7.000 đồng/cây, lá chuối cũng được tận dụng cả lá khô và lá tươi để làm thức ăn cho cá hoặc bán cho các xưởng chế biến thực phẩm.

Với diện tích khoảng 0,8 ha mặt nước, các hộ trồng chuối Tây Thái Lan ở thôn Giải Cờ đã thả thêm được 3 tạ cá và dự kiến sắp tới sẽ thu hoạch được trên 1 tấn cá xuất bán ra thị trường phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Hiện nay, các hộ dân ở đây đã có thể nhân giống cây để trồng các vụ sau. 

Bên cạnh đó, các hộ trồng chuối cũng chọn những cây khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn để bán cây giống cho các hộ dân trong và ngoài xã đến mua với giá từ 10.000 – 20.000 đồng/cây. Anh Phạm Thúc Kinh cho biết thêm: Qua gần 1 năm triển khai, cây chuối Tây Thái Lan bước đầu cho thấy đây là cây phù hợp với đồng đất Yên Đồng. 

Bởi đây là loại cây trồng dễ thích nghi, ít sâu bệnh, vốn đầu tư ban đầu thấp, chất lượng và sản lượng cao, thị trường tiêu thụ tương đối rộng nên rất phù hợp để người nông dân đưa vào sản xuất với quy mô lớn. 

Trồng loại cây này cũng có thuận lợi là thu hoạch được nhiều lần và những lần sau sản lượng còn cao hơn. Sau khi thu hoạch lứa đầu tiên, cây con từ gốc sẽ mọc lên và tiếp tục cho thu hoạch, người trồng không cần mất thời gian trồng và làm lại đất mà chỉ cần chăm sóc cho cây. 

Hiện nay, cây sinh trưởng, phát triển khá tốt và đang cho thu hoạch những lứa đầu tiên ở những diện tích trồng sớm. Theo tính toán ban đầu, mỗi sào chuối trồng lứa đầu tiên sẽ cho thu nhập khoảng hơn 10 triệu đồng. Hiện nay, xã Yên Đồng đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng chuối Tây Thái Lan ở những vùng đất đã quy hoạch. Đã có hơn 40 hộ gia đình tiếp tục đăng ký tham gia mô hình.

Hiệu quả ban đầu từ mô hình trồng chuối Tây Thái Lan ở Yên Đồng không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể mà quan trọng hơn cả là đã tạo niềm tin với người nông dân khi đưa các loại cây trồng mới vào sản xuất, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương

Viết bình luận