Hỗ trợ phát triển vườn cây ăn quả đặc sản

Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bình Dương vừa thông qua Nghị quyết mới về chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2021.

Ho tro phat trien vuon cay an qua dac san - Anh 1

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bình Dương, việc thông qua Nghị quyết là nhằm tiếp tục duy trì, phát triển vườn cây ăn quả đặc sản phù hợp với quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp của Bình Dương gắn với việc bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái, nâng cao đời sống nông dân vùng nông nghiệp đô thị và nông nghiệp truyền thống của tỉnh. Nghị quyết này được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nội dung, mức hỗ trợ còn phù hợp và điều chỉnh, bổ sung thêm một số mức hỗ trợ mới phù hợp với tình hình thực tế từ Nghị quyết số 19/2012 được HĐND tỉnh ban hành năm 2012 về một số chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2016 (Nghị quyết 19).

Với Nghị quyết mới thông qua, chính sách hỗ trợ cho năm loại cây ăn quả đặc sản, gồm: măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon và mít tố nữ được trồng tại bốn xã, phường của thị xã Thuận An là: phường Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, xã An Sơn và hai loại cây bưởi ổi, bưởi đường lá cam được trồng ở xã Bạch Đằng của thị xã Tân Uyên. Việc hỗ trợ này được áp dụng cho trồng mới và thâm canh, chăm sóc vườn; hỗ trợ cho nhà vườn thất mùa, mất mùa; hỗ trợ tư vấn, chỉ đạo kỹ thuật và tập huấn kỹ thuật, tham quan. Cụ thể, ngoài việc hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp và kỹ thuật, đối với trồng mới sẽ được hỗ trợ việc chăm sóc, nạo vét kênh mương nội đồng năm triệu đồng/ha/năm; đối với nhà vườn thất mùa, năng suất đạt <60% năng suất bình quân được hỗ trợ việc chăm sóc, nạo vét kênh mương nội đồng 6,75 triệu đồng/ha (hỗ trợ nhà vườn thất mùa chỉ áp dụng cho thị xã Thuận An); đối với nhà vườn không có thu hoạch, được hỗ trợ việc chăm sóc, nạo vét kênh mương nội đồng chín triệu đồng/ha. Quy mô diện tích vườn được hưởng chính sách từ 500m2 trở lên và thời gian hỗ trợ năm năm từ 2017 đến 2021.

Việc thông qua Nghị quyết trên là cần thiết, bởi thực tế, vườn cây ăn trái đặc sản tại phường Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, xã An Sơn của thị xã Thuận An được biết đến là vùng cây ăn trái Lái Thiêu nức tiếng cả nước và được đánh giá là ngon nhất vùng miền Đông Nam Bộ với bề dày truyền thống khoảng 200 năm. Tuy nhiên, nhiều năm trước, do cây suy thoái vì già cỗi và hệ thống kênh mương chưa tốt làm sản lượng trái sụt giảm kéo theo thu nhập giảm, từ đó người dân nản lòng và diện tích cây ăn trái giảm mạnh. Trước tình hình này, HĐND tỉnh Bình Dương ban hành Nghị quyết 19 với chính sách hỗ trợ sát thực tiễn đã kịp thời giúp vườn cây ăn trái các địa phương ven sông Sài Gòn thuộc thị xã Thuận An phục hồi, đến nay đã phát triển hơn 1.200 ha, tạo hiệu quả kinh tế nông nghiệp giúp tăng thu nhập cho người dân, vừa kết hợp phát triển du lịch vườn và tạo ra “lá phổi xanh” về môi trường cho khu vực năng động phát triển mạnh khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương.

Trong khi đó, tại xã Bạch Đằng, là xã cù lao nằm giữa sông Đồng Nai của thị xã Tân Uyên với sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Nhờ Nghị quyết 19 đã khuyến khích nông dân chuyên canh cây bưởi, đến nay toàn xã có hơn 400 ha cây bưởi đường lá cam và bưởi da xanh đặc sản được trồng. Chủ tịch Hội Nông dân xã Bạch Đằng Ngô Văn Hải cho biết: “Nhờ trồng bưởi đường lá cam và bưởi da xanh đã giúp đời sống nông dân ở xã trở nên khấm khá, đổi thay; tại xã, hiện không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia, còn theo tiêu chí nghèo đa chiều mới của tỉnh thì còn không đáng kể. Nghị quyết mới thông qua tiếp tục chính sách hỗ trợ, sẽ tiếp tục giúp nông dân Bạch Đằng phát triển căn cơ diện tích cây bưởi theo mô hình khép kín bằng tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao sản lượng và chất lượng nhằm tạo đầu ra ổn định và hiệu quả hơn”.

Ông Phạm Văn Bông, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết: “Hiện nay, nông nghiệp Bình Dương đang phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị và nông nghiệp kỹ thuật cao nhằm gia tăng giá trị sản xuất. Nghị quyết về chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2021 được thông qua, sẽ tạo điều kiện giữ gìn và khôi phục, phát triển mạnh các loại cây ăn trái đặc sản của thị xã Thuận An và xã Bạch Đằng của thị xã Tân Uyên, vừa tăng thu nhập cho nông dân vừa tạo ra những vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản; từ đó, kết hợp tạo điều kiện cho các loại hình du lịch sinh thái của những vùng đất ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai có điều kiện phát triển thuận lợi hơn”.

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bình Dương, Nghị quyết về chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2021 đã thông qua được xây dựng trên cơ sở vận dụng các quy định liên quan đến chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp do Trung ương ban hành, phù hợp với định hướng, đặc thù của phát triển nông nghiệp và trong phạm vi khả năng ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, để khắc phục hạn chế trong việc tổ chức thực hiện chính sách trong thời gian qua, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách để người dân nắm rõ, quy định rõ tiêu chuẩn cán bộ chỉ đạo kỹ thuật để thuận lợi trong việc triển khai thực hiện; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xả thải của các hộ dân chăn nuôi, của doanh nghiệp, của các khu và cụm công nghiệp để bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế ô nhiễm hệ thống kênh mương ở những khu vực vườn cây đặc sản được hỗ trợ từ chính sách.

Viết bình luận