Khánh Hòa: Thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ vườn cây ăn trái

Định hình sản xuất tập trung

Tháng 10.2017, Hội ND tỉnh Khánh Hòa ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp” của T.Ư Hội NDVN. Nguyên tắc cơ bản nhất của đề án này là tập hợp được các nông dân trong cùng một khu vực có 5 điểm chung gồm: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi.

 khanh hoa: thu hang tram trieu dong moi nam tu vuon cay an trai hinh anh 1

Thành viên Tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả Vĩnh Lương, TP.Nha Trang (Khánh Hòa) trồng và chăm sóc cây ăn quả

Trong 1 năm qua, để tạo điều kiện cho các tổ hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả, Quỹ HTND các cấp tỉnh Khánh Hòa đã cho 393 hộ nông dân trong tổ hội nghề nghiệp vay vốn với số tiền gần 14,4 tỷ đồng.

Thực hiện đề án, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 176 tổ hội nghề nghiệp với hơn 1.800 hội viên trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề nông thôn.

Theo ông Trương Công Trúc - Tổ trưởng Tổ hội trồng xoài Úc tại Cam Hiệp Bắc (Cam Lâm), hoạt động trồng, chăm sóc và kinh doanh xoài Úc của 15 thành viên trong tổ đang có những bước phát triển mới kể từ khi hình thành nên tổ hội. Được Quỹ HTND nguồn ủy thác từ T.Ư giải ngân cho vay1 tỷ đồng, cùng với số tiền tự có, các thành viên trong tổ đã tập trung cải tạo, nâng cấp vườn xoài có tổng diện tích khoảng 30ha, ghép xoài Úc lên gốc xoài Canh Nông… Mặc dù hơn 1 năm qua tình hình thời tiết có phần bất lợi, nhưng trên nền tảng đã đầu tư hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho các hộ trồng xoài. “Khi tham gia tổ hội, các hộ chia sẻ với nhau về kỹ thuật chăm sóc, xử lý bệnh, cân đối đầu ra sản phẩm… Việc cùng làm với nhau trong cùng một ngành nghề, một mối quan tâm giúp chúng tôi hỗ trợ nhau tốt hơn”- ông Trúc cho biết.

Tại xã Vĩnh Lương, TP.Nha Trang, 10 hộ nông dân cũng đã hình thành nên tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả. Với tổng diện tích gần 50ha, các thành viên của tổ được tiếp cận các lớp đào tạo nghề trồng cây ăn quả, được Quỹ HTND các cấp “tiếp sức” 700 triệu đồng vốn vay để đầu tư vào cây giống, phân bón, cải tạo đất… Ông Nguyễn Hữu Thật - Chủ tịch Hội ND xã Vĩnh Lương cho hay, các thành viên trong tổ đã mạnh dạn đầu tư, phát triển vườn cây ăn quả chuyên canh các loại cây như: Mãng cầu tây, bưởi da xanh, cam, mít, chuối… Một số hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo Hội ND tỉnh Khánh Hòa, nhiều tổ hội đang hoạt động hiệu quả, mang về thu nhập cao hơn cho các thành viên như: Tổ hội trồng dừa xiêm ở Vạn Ninh; sản xuất lúa giống, trồng dâu nuôi tằm ở Diên Khánh; nuôi tôm hùm lồng ở Cam Ranh; trồng bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh; trồng sầu riêng ở Khánh Sơn…

Không chỉ hỗ trợ vốn, hoạt động tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đào tạo nghề cho các thành viên trong tổ hội nghề nghiệp, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất theo chuỗi và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... cũng được Hội ND các cấp trong tỉnh đẩy mạnh…

Đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định

Theo đánh giá của Hội ND tỉnh Khánh Hòa, bên cạnh kết quả đạt được, mô hình tổ hội nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn còn một số khó khăn như: Mô hình tương đối nhỏ, lẻ; đầu ra cho sản phẩm chưa chủ động, chưa ổn định; giá cả vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường, thương lái... Cùng với nỗ lực của các tổ hội, các cấp Hội ND, việc hỗ trợ tìm đầu ra sản phẩm của các tổ hội nghề nghiệp để từng bước phát triển, tiến tới thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã và làng nghề truyền thống… đang cần sự vào cuộc, ủng hộ mạnh mẽ hơn từ các cấp chính quyền, sở, ngành liên quan.

Theo ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội ND tỉnh, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục lựa chọn mô hình phù hợp, có đủ điều kiện để chỉ đạo thành lập, duy trì, nhân rộng các chi tổ hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả, Hội ND các cấp sẽ tập trung phối hợp với các cấp, ngành liên quan hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, vốn…, nhất là tìm thị trường cho sản phẩm của các mô hình tổ hội nghề nghiệp.

Viết bình luận