Không ai chịu trách nhiệm trong vụ mất mùa chưa từng có ở Hà Tĩnh?

Khi tiếp cận cơ sở PV nhận được nhiều ý kiến cho rằng công tác dự tính, dự báo phòng chống bệnh đạo ôn của cơ quan chuyên môn chậm nên mới dẫn đến thiệt hại nặng nề ở Hà Tĩnh. Hơn 20.200/58.785ha lúa xuân 2017 bị bệnh đạo ôn cổ bông phá hoại, mất trắng hơn 10 vạn tấn lúa, một vụ mùa thất bát chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, đã gần một tháng trôi qua tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa tổ chức cuộc họp nào liên quan đến đợt dịch bệnh này để “truy” nguyên nhân, trách nhiệm.  

Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo

Ngày 27/5, PV NNVN tiếp tục trở lại một số xã của huyện Thạch Hà, địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do bệnh đạo ôn cổ bông gây ra. Trên các cánh đồng, lúa cơ bản đã gặt xong nhưng thay vì phấn khởi sau một mùa vụ, khuôn mặt nông dân rũ rượi bức xúc vì bệnh đạo ôn cổ bông “ăn” trắng toàn bộ diện tích sản xuất của gia đình.

13-04-12_1
Đến thời điểm này Hà Tĩnh chưa tổ chức cuộc họp riêng nào về dịch bệnh đạo ôn...

 

Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Phong, chị Trần Thị Ba, thôn Kỳ Sơn, xã Thạch Đài, đứng bên đống lúa chất ven đường lâu ngày thở dài: “Lúa gặt lên nhưng chẳng muốn đem về nữa, chỉ toàn hạt lép, cháy khô; số nào còn ruột thì cũng nảy mầm rồi. Chúng tôi gặt lên chỉ để giải phóng đồng ruộng làm vụ hè thu thôi. Lúa này cho bò ăn chắc nó cũng không ăn”.

Chị Ba cho biết, gia đình làm 23 sào ruộng thì mất trắng 13 sào. “Thời điểm lúa chớm bị bệnh, thiệt hại năng suất khoảng 20 – 30% đã có đoàn cán bộ đến hỏi về thiệt hại nhưng khi ấy bệnh mới bị nhẹ, sau đó ít ngày, diện tích và tỷ lệ lúa nhiễm bệnh gần như “trắng” toàn bộ thì không có cán bộ nào đến thống kê lại. Giờ mà báo cáo diện tích mất mùa hôm thống kê thì không thể chính xác với thực tế mất trên đồng ruộng”, chị Ba nói.

13-04-12_2
...mà lồng ghép trong cuộc họp nông thôn mới

 

Vụ lúa chính trong năm thất thu chưa từng có trong lịch sử, đến ngay ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy cũng nói: “Thiệt hại của dân rất nặng, nhiều cánh đồng mất trắng. Đây là câu chuyện tôi đã chỉ đạo rất sớm nhưng cách làm không ổn, thiếu chặt chẽ, bài bản ngay từ đầu. Cả quá trình lãnh đạo, chỉ đạo buông lỏng”.

Đúng là ông Lê Đình Sơn chỉ đạo rất quyết liệt trong cuộc họp định kỳ ngày 14/5, ông Sơn yêu cầu UBND tỉnh, cụ thể là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách ngành NN-PTNT, thống kê, rà soát diện tích thiệt hại; kiểm tra, phúc tra làm rõ nguyên nhân lúa nhiễm bệnh đạo ôn; tỷ lệ nhiễm bệnh giữa nguồn giống mua từ Cty, giống hỗ trợ bão lũ và giống do dân để lại... Tuy nhiên, sau gần nửa tháng, tại cuộc họp định kỳ về... nông thôn mới, báo cáo của Sở NN-PTNT vẫn chung chung, chưa có thống kê, kết quả nào cụ thể liên quan đến bệnh đạo ôn.

13-04-12_3
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

 

“Mẫu kiểm tra, phúc tra tỷ lệ giống nhiễm bệnh không có; bây giờ dân thu hoạch xong cả rồi mới làm thì quá muộn. Mất hơn 20 nghìn ha lúa mà chỉ đạo vô cảm quá, thiếu trách nhiệm. Tại sao mấy tỉnh miền Trung thời tiết na ná nhau mà Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An được mùa cả nhưng mình mất mùa, cái này cần xem xét lại”, Bí thư Lê Đình Sơn nói.  

Ai chịu trách nhiệm (?!)

Trong một diễn biến khác, khi tiếp cận cơ sở PV nhận được nhiều ý kiến cho rằng công tác dự tính, dự báo phòng chống bệnh đạo ôn của cơ quan chuyên môn chậm nên mới dẫn đến thiệt hại nặng nề như hiện nay.

Một lãnh đạo xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà cho hay, thời điểm lúa bị đạo ôn lá xã phát hiện bệnh gây hại cục bộ nên làm công văn khuyến cáo bà con thường xuyên theo dõi đồng ruộng, phun phòng trừ, ít ngày sau đó huyện mới tổ chức một cuộc họp bổ cứu sản xuất vụ xuân 2017 (có nội dung phòng trừ đạo ôn). “Lúa bị bệnh cơ sở báo lên huyện mới họp bổ cứu, chỉ đạo là hơi chậm”, vị lãnh đạo này nói.

13-04-12_4
Lúa của vợ chồng anh Phong, chị Ba chất đống trên bờ, không đưa về nhà vì toàn hạt lép, cháy khô

 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tường, thôn trưởng thôn Quý, xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, nhấn mạnh: “Cơ quan chức năng dự báo sâu bệnh thì có dự báo nhưng muộn”.

Liên quan đến việc đạo ôn cổ bông gây hại diện rộng, nặng nề, lãnh đạo các địa phương và nông dân đều đặt câu hỏi: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm?! Tuy nhiên, sau gần 1 tháng lúa xuân mất mùa, tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa tổ chức bất kỳ cuộc họp nào riêng về vấn đề này. Việc chỉ đạo “truy” nguyên nhân, trách nhiệm đều lồng ghép sơ sơ qua các cuộc họp định kỳ hoặc nông thôn mới!

“Dân mất mùa nặng nề như thế nhưng tỉnh chưa tổ chức cuộc họp nào riêng và cũng chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm cả”, một lãnh đạo huyện Nghi Xuân xác nhận.

Viết bình luận