Kĩ thuật trồng cà rốt an toàn theo vietgap

Kĩ thuật trồng cà rốt an toàn

I. Nội dung quy trình công nghệ

1. Đất trồng.

Vùng sản xuất phù hợp với quy hoạch sản xuất rau an toàn của địa phương

Đất trồng là đất thịt nhẹ, cát pha, phù sa ven sông, giàu mùn và chất dinh dưỡng, độ pH 5,5- 6,0, chủ động tưới, tiêu.

Không trồng cà rốt trên đất vụ trước đã trồng các loại cây họ hoa tán: mùi, thì là... Nên trồng với các cây trồng khác họ, đặc biệt là luân canh với lúa nước.

2. Giống và hạt giống

Lựa chọn bộ giống cà rốt phù hợp với vùng sinh thái, vụ sản xuất và yêu cầu thị trường. Giống trồng có thể là giống lai, giống thuần có khả năng  sinh trởng tốt, thích ứng rộng, ít sâu bệnh, cho năng suất cao, chất lượng tốt. Một số giống cà rốt trồng cho hiệu quả cao như: giống Ti-103, Newkuroda, New kuroda improved và Super 44.

3. Thời vụ gieo trồng

Vụ sớm: gieo 5 tháng 8 - 5 tháng 9

Chính vụ: gieo 5 tháng 10 - 5 tháng 11

Vụ muộn: gieo  5 tháng 11- 5 tháng 12

          4. Kỹ thuật gieo trồng

  Làm đất: Đất đợc cày bừa kỹ, lên luống rộng 0,8 - 1,2 m, cao 0,4 m, rãnh 0,3 m, rải phân, đảo đều trên mặt luống, sang phẳng và lấp một lần đất mỏng lên trên, rạch 3 hàng theo chiều dọc sâu 3-5cm cách nhau 20 cm để gieo hạt.

  Lượng hạt cần: 2,8-3,0 kg/ha (100 gam/360m2).

  Cần chà xát nhẹ cho gãy hết lông cứng trên bề mặt hạt, ngâm nước 3-4 giờ, ủ ẩm trong 2 - 3 ngày mới gieo. Hạt gieo xong rắc một lớp đất bột mỏng vừa kín hạt rồi dùng rơm/rạ băm nhỏ phủ đều luống, tưới ẩm đều cho cây mọc nhanh.

  Mật độ cây cố định cây là 375.000 cây/ha, khoảng cách cây 20 cm x 8 cm.

  5. Phân bón và chất phụ gia

Sử dụng các loại phân bón có trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam, ưu tiên, lựa chọn các loại phân hữu cơ đã qua xử lý, phân hữu cơ sinh học, phân vi sinh

Khi sử dụng phân bón và hoá chất phải tuân theo hướng dẫn ghi trên nhãn mác hoặc qua tư vấn của cơ quan chuyên môn.

Liều lượng phân bón cho 1 ha:

Thời vụ gieo hạt trong khoảng 5/10: 5 tấn phân hữu cơ +160 kg N + 160 kg K20 + 120 kg P205, tương đương 5 tấn phân hữu cơ  + 350 kg đạm ure  + 300 kg kali Clorua + 600 kg Supe lân.

Thời vụ gieo sau 5/11: 5 tấn phân hữu cơ +140 kg N+ 140 kg K20 + 120 kg P205, tương đương 5 tấn phân hữu cơ  + 300 kg đạm ure  + 280 kg kali Clorua + 600 kg Supe lân

Dùng phân NPK: 5 tấn phân hữu cơ + 600 kg NPK:16-8-16-13S+TE + 100 kg đạm urê hoặc 5 tấn phân hữu cơ + 900 kg NPK:7:7:14 + 100 kg đạm urê.

         * Cách bón phân

TT

Loại phân

Tổng số

Bón lót

Bón thúc

I

II

III

1

Phân hữu cơ (tấn)

5,0

5,0

 

 

 

2

Phân đạm ure (kg)

300-320

 

50-60

120

130-150

3

Phân lân Supe (kg)

600

600

 

 

 

4

Phân kali (kg)

280-300

 

40-50

100

140-150

  Bón phân lót: trước khi gieo hạt từ 1-2 ngày

  Bón thúc lần 1: sau khi mọc 12-15 ngày, kết hợp vun xới.

  Bón thúc đợt 2: khi cây mọc 45-50 ngày, kết hợp vun xới

  Bón thúc đợt 3: sau khi mọc 70-80 ngày, kết hợp vun xới

  Sử dụng phân hỗn hợp NPK: Bón lót toàn bộ phân hữu cơ + 100 kg NPK, bón thúc lần 1: 50 kg đạm urê + 250 kg NPK, bón thúc lần 2 : 50 kg đạm urê + 350 kg NPK.

  6. Chăm sóc khác

  * Tưới nước

  Sử dụng nguồn nước sạch để tưới cho cây , định kỳ kiểm tra chất lượng nguồn nước tưới theo quy định.

  Sau khi gieo hạt cần tưới nhẹ 1 ngày 1 lần, đảm bảo đủ ẩm cho hạt nẩy mầm nhanh và đều. Trong giai đoạn phát triển thân lá, hình thành củ có thể tưới thấm hoặc tưới mặt đảm bảo độ ẩm duy trì 75-80%. Trước khi thu hoạch 20-25 ngày hạn chế tưới rãnh, nên tưới nhẹ trên mặt, duy trì độ ẩm 70-75% để hạn chế bệnh thối củ và nâng cao chất lượng củ.

  * Tỉa định cây.

  Tỉa cây đợt 1: khi cây cao 4-5cm, tỉa các cây còi cọc, cây sâu bệnh... chỉ giữ lại những cây cứng khỏe, phân đều, khoảng cách cây cách cây 5-6 cm.

  Tỉa cây đợt 2: khi cây cao 8-10cm, tỉa bớt các cây còi cọc, cây sâu bệnh... chỉ giữ lại những cây cứng khỏe, phân đều, khoảng cách cây cách cây 7-9 cm.

  Trước khi thu hoạch 35-40 ngày, khi cây phát triển quá tốt, lá dài, mềm lướt trên mặt luống, tiến hành cắt, tỉa bớt lá gốc, lá già, hớt bớt ngọn lá trên mặt luống để cho lá đứng thẳng, tăng khả năng quang hợp tích lũy vào củ.

7. Phòng trừ sâu bệnh.

Áp dụng các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) nhằm hạn chế thấp nhất việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật như: sử dụng giống lai, giống kháng hoặc nhiễm nhẹ sâu bệnh. Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ, cày đất sớm để trừ các trứng, nhộng, sâu non trong đất, luân canh với cây lúa nước, ...

Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi sâu bệnh hại đến ngưỡng phòng trừ

Chỉ sử dụng thuốc có tên trong danh mục thuốc được phép sử dụng cho rau tại Việt Nam, có nguồn gốc rõ ràng, mua tại cửa hàng được phép kinh doanh

Ưu tiên, lựa chọn các thuốc BVTV sinh học, thảo mộc và các thuốc có nguồn gốc tự nhiên, thuốc điều hòa sinh trưởng có tính chọn lọc cao, nhanh phân giải trong môi trường, đặc biệt trong thời gian thu củ.

* Một số sâu bệnh hại chính và cách phòng trừ.

Bệnh lở cổ rễ ở giai đoạn cây con: sử dụng các loại thuốc: Ridomil 72WP, Validacin, .....nồng độ 0,2% phun vào buổi chiều mát, không mưa.

Bệnh sương mai: sử dụng các loại thuốc: Curate 72 WPRidomil MZ 72 WP, Daconil 72WP,.... nồng độ 0,2-0,25% phun vào buổi chiều mát, không mưa.

Rệp xanh: sử dụng các loại thuốc: Oncol 20EC, Butyl 20wp... phun nồng độ 0,15- 0,2% phun đều, phun trực tiếp vào các ổ rệp

Sâu vẽ bùa: sử dụng các loại thuốc: Eska 250Ec và Emaben 3.6WG... nồng độ phun 0,25%, phun vào buổi chiều mát, không mưa

Chú ý : Tuân thủ kỹ thuật phun, nồng độ phun và thời gian cách ly của từng loại thuốc theo sự hướng dẫn của đơn vị sản xuất thuốc ghi trên bao bì.

8/ Thu hoạch, sơ chế và bảo quản.

a/ Thu hoạch

Thu hoạch, cần tuân thủ đầy đủ thời gian cách ly sử dụng thuốc BVTV, hóa chất và phân bón khác.

Thu hoạch đúng lúc, đúng độ chín, thu hoạch khi thời tiết thuận lợi nhất, tránh thu hoạch vào lúc trời mưa, hạn chế xây sát và nhiễm bẩn sản phẩm.

Sản phẩm cà rốt sau thu hoạch phải được đựng trong các dụng cụ phù hợp, không để sản phẩm trực tiếp trên đất.

Dụng cụ thu hoạch và dụng cụ bảo quản sản phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bền chắc.

  b/ Rửa, sơ chế, phân loại và đóng gói sản phẩm

Phải sử dụng các nguồn nước sạch để rửa sản phẩm

Cần phân loại sản phẩm để đảm bảo độ đồng đều về kích cỡ, màu sắc, độ chín của củ.

Xử lý sản phẩm bằng các vật liệu hoặc hoá chất phù hợp và tuân thủ đầy đủ quy định sử dụng an toàn hoá chất sau thu hoạch.

Việc đóng gói sản phẩm cà rốt phải được tiến hành trong nhà xưởng được thiết kế phù hợp. Bao bì đóng gói phải được làm từ các vật liệu phù hợp, không độc hại và được kiểm tra đảm bảo không gây nhiễm bẩn sản phẩm

  c/ Bảo quản sản phẩm trước khi tiêu thụ

Sản phẩm phải được bảo quản trong các kho chuyên dụng, được thiết kế phù hợp và không gần các nguồn có nguy cơ nhiễm bẩn do hóa chất, vi sinh vật và các yếu tố độc hại khác.

Cần bảo quản sản phẩm ở nhiệt độ và ẩm độ thích hợp nhất để hạn chế sự phát triển của các vi sinh vật và các chất độc hại và kéo dài thời gian bảo quản.

Trong trường hợp sử dụng hoá chất hay các chất bảo quản khác, phải tuân thủ đầy đủ quy định sử dụng an toàn hoá chất sau thu hoạch.

                                                       Nguồn tin: www.vaas.org.vn

Viết bình luận