Kiếm tiền tỷ dưới chân Tam Đảo


Bỗng mất hẳn ánh nắng gay gắt trên đầu vì ngút ngàn cây xanh của rừng che phủ thì Phó chủ tịch xã Văn Yên Trần Đức Luyện giải thích, chúng ta đã vào đến khu vực trang trại của gia đình ông Thiệp rồi. Dọc con đường bê tông nhẵn bóng, tiếng suối nghe âm âm, lóc tóc hệt như trong rừng già. Theo chân ông Luyện, tôi dừng xe, trèo lên đồi. Không gian được mở rộng với 2 đầm cá lớn giữa đỉnh đồi và hàng loạt chuồng trại chăn thả gia súc, gia cầm. Chủ trang trại Lý Ngọc Thiệp có nước da bánh mật, người nhỏ thó, nhanh nhẹn với trang phục bộ đội ra đón khách. Dẫn chúng tôi vào lán chỉ huy, ông nói, các đồng chí thông cảm, mải làm quá nên chưa xây được căn nhà tử tế, hẹn sang năm các đồng chí lên đây nghỉ mát sẽ có lễ tân, phòng nghỉ khang trang hẳn hoi. Để giải thích, ông khoát tay chỉ vị trí móng của khu biệt thự 3 tầng đang được thi công.


Đến lúc vào chủ đề, thuyết phục mãi ông Thiệp mới chịu cung cấp thông tin cho nhà báo viết bài nhưng ông vẫn mặc cả, chỉ viết về cách thức xây dựng trang trại thôi chứ đừng viết về thành tích gì nhé. Rồi ông kể, nguồn cơn của trang trại dưới chân núi Tam Đảo này chính bởi cái nghèo đói của những năm bao cấp. Đất canh tác ít, số khẩu trong nhà lại đông, vào đầu những năm 80, ông quyết định một mình vào Đát để khai hoang, mở mang diện tích. Ông chọn khu vực Đát đỉa chính vì nguồn nước dồi dào, vĩnh cửu của nó. 


Lựa chọn đó đến nay đã khẳng định tư duy phát triển kinh tế trang trại của thương binh, cựu thanh niên xung phong Lý Ngọc Thiệp. Ở tuổi 63, ông Thiệp sơ bộ thống kê kết quả của quy trình gần 30 năm miệt mài, nỗ lực xây dựng trang trại giữa chốn “rừng thiêng nước độc” của mình gồm có: Một trang trại nuôi lợn với 80 lợn nái và 1.000 lợn thịt; đàn bò lai Sind hơn 60 con, mỗi năm cho sản lượng thịt hơn 3 tấn; đàn dê hơn 100 con với sản lượng 1 tấn thịt; đàn vịt đẻ hơn 1.000 con; gần 1 ha hồ cá với sản lượng 5 tấn cá; 13 ha rừng có 20.000 cây mỡ đường kính 30 - 40 cm; và ruộng lúa, nương chè.


Mặc dù trang trại hoạt động đa dạng như vậy nhưng cách tổ chức sắp xếp theo một quy trình khoa học, khép kín của người nông dân có trình độ học hết cấp 2 như ông Thiệp khiến nhiều người sửng sốt. Ông nói, lợn đẻ ra dê bò, dê bò đẻ ra giun, giun đẻ ra vịt, vịt lại đẻ ra cá và tất cả đẻ ra cây trồng. Sự cắc cớ, khó hiểu đó được ông giải thích rằng, nguồn phân thải từ chăn nuôi lợn sẽ được dùng để nuôi cỏ VA06. Cỏ là 
thức ăn cho đàn bò dê. Rồi nguồn phân thải của bò dê lại được dùng để chăn nuôi giun công nghiệp. 


Giun là thức ăn của vịt. Nguồn phân thải của vịt sẽ nuôi sống cá. Nếu chăn nuôi lợn chỉ cần hoà vốn thì lợi nhuận của quy trình khép kín trên sẽ được thu về từ chăn 
nuôi dê bò, vịt gà và cá. Nguồn vốn đó được đầu tư cho trồng rừng, lúa và chè. Tổng hợp, số lãi mỗi năm mà trang trại thu về trên dưới 2 tỷ đồng. Gia đình ông Thiệp đã đóng góp không ít cho hoạt động của các đoàn thể cũng như cho sự nghiệp kiến thiết quê hương. Ông còn giành sự quan tâm đặc biệt đến những người nghèo bằng các hoạt động hỗ trợ mang nhiều ý nghĩa.


Ông Thiệp khiêm tốn rằng, tất cả là nhờ môi trường ưu đãi đặc biệt của rừng núi. Ngoài rừng keo tiền tỷ, rừng còn tạo điều kiện chăn thả dê, bò. Rừng tạo nguồn sinh thuỷ cho gần 1 ha ao cá. Chính nguồn nước vô giá từ rừng đã được ông Thiệp đưa vào hệ thống làm mát trong khu trang trại lợn, gà, vịt. Ông so sánh, nếu dùng nước máy hoặc nước giếng bơm để chăn nuôi như ở thành phố thì mỗi năm trang trại của ông phải đầu tư thêm hàng trăm triệu. Mặt khác, điều kiện 
tự nhiên trong lành chính là yếu tố lý tưởng để phòng dịch.

 

Mô hình trang trại của ông Thiệp đã tạo công ăn việc làm liên tục cho hơn 10 lao động với mức lương 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ông phân công 2 công nhân phụ trách chăn nuôi lợn. 7 công nhân phụ trách chăn nuôi gà vịt, cá, trồng và khai thác rừng, kiến thiết xây dựng trang trại... 


Anh Phạm Chiến, một công nhân của trang trại cho biết, người lao động rất yên tâm về thu nhập cũng việc làm ổn định ở đây.

Khi đánh giá về quy trình trang trại của mình, ông Thiệp tỏ ra đặc biệt thích thú với hiệu quả do đàn vịt mang lại. Ông đã đưa ra phương thức hạch toán khá thú vị như sau: Nếu mua thóc để chăn vịt thì mỗi ngày một con vịt sẽ ăn hết 3 lạng, tương đương với 1.500 đồng, gần bằng tiền bán một quả trứng. Như vậy, 
nuôi vịt đẻ sẽ lỗ. Dùng giun chăn vịt thì ông chỉ mất 1 lạng thóc cho vịt ăn thêm, đương nhiên, mỗi quả trứng đã có lãi 1.500 đồng. 


Tỷ lệ vịt đẻ càng cao thì lợi nhuận càng lớn. Ông Thiệp sôi nổi cho biết những dự định lớn của mình là sẽ nâng số đầu lợn nái của trang trại lên 100 con, giữ nguyên tổng đàn dê bò vì diện tích chăn thả không thể mở rộng hơn; nâng số lượng đàn vịt lên 3.000 con; đặc biệt, với đặc trưng nguồn nước lạnh, trang trại sẽ khảo sát để thực hiện ý định nuôi cá hồi trên diện tích 1ha tại khu vực suối Đát; xây dựng khu nhà ở, nhà nghỉ tiến đến tổ chức đón khách du lịch sinh thái. Về điều này, ông Vũ Quyết Tiến (Chủ tịch UBND xã Văn Yên) cho hay, mô hình trang trại tổng hợp hiệu quả của gia đình ông Thiệp sẽ là địa điểm để nhiều đoàn khách của địa phương và các nơi đến tham quan học tập. Vị trí trang trại với hệ sinh thái Tam Đảo, khí hậu mát mẻ, trong lành, có rừng, có suối, hồ... thực sự lôi cuốn, thu hút mọi người. 


Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam 

 

Viết bình luận