KỸ THUẬT ƯƠM Ủ HẠT SÂM NGỌC LINH

1. Thu hái và chọn quả

* Chọn cây giống: Cây lấy hạt giống cần phải có sự chọn lọc kỹ để đảm bảo chất lượng cây giống. Cây phải đạt từ 4 năm tuổi trở lên (đối với cây gieo từ hạt), 2 năm trở lên (đối với cây trồng từ đầu mầm), có biểu hiện đặc trưng của giống, không bị sâu bệnh, tổn thương cơ giới hoặc các tổn thương khác.

* Thời gian thu hái quả: Vào tháng 7 – 9 hằng năm.

Quả thu hái phải đảm bảo độ chín sinh lý (vỏ quả có màu đỏ tươi và có chấm đen trên đầu, vỏ quả trông sáng bóng, hạt mẩy). Do đặc điểm sinh học mà một cụm quả đạt độ chín tiêu chuẩn phải từ 6 - 10 ngày, do vậy nên thu hái làm nhiều lần (ít nhất 3 lần, mỗi lần cách nhau từ 2- 3 ngày) để đảm bảo quả giống thu vào có chất lượng cao.

* Phân loại quả: Quả sau khi thu về được sàng sảy để loại bỏ quả nhỏ, lép và phân loại như sau:

- Loại 1: Vỏ quả có màu đỏ tươi, nhìn có màu sáng bóng, hạt mẩy.

- Loại 2: Vỏ quả có màu vàng hoặc nâu đỏ.

- Loại 3: Vỏ quả có màu vàng nhạt hoặc hơi nâu.

- Loại 4: Vỏ quả có màu xanh, xanh nõn chuối, hạt nhỏ, lép…(nên loại bỏ).

Đối với quả loại 2 và loại 3 sau thời gian ủ từ 2 đến 3 ngày thì đạt độ chín về hình thái giống như loại 1 và 2. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng hạt từ quả loại 1 và loại 2 để gieo ươm, trong trường hợp thiếu hạt giống có thể sử dụng loại 3.

2. Thời vụ gieo và xử lý hạt giống

- Thời vụ gieo hạt trùng với thời gian thu hái quả khoảng tháng 7 - 9 hằng năm.

- Trước khi gieo hạt có thể thực hiện bằng 1 trong 2 cách:

+ Sau khi thu quả, để nguyên vỏ và đem gieo ngay (nếu quả có 2 hạt thì tách riêng).

+ Sau khi thu quả, ủ khoảng 5 ngày đem chà xát và đãi sạch để loại bỏ phần thịt quả, để ráo; sau đó ngâm trong dung dịch nước tỏi 10 - 15% (1,0 - 1,5kg tỏi giã nhỏ ngâm với 10 lít nước, lọc lấy nước) trong khoảng 30 - 45 phút để ngừa một số nấm bệnh và tăng sức đề kháng cho cây con, rồi đem gieo.

3. Phương pháp gieo hạt

Sử dụng phương pháp truyền thống, gieo hạt trực tiếp lên luống (phương pháp gieo hạt giống trong khay chuyên dụng và đặt khay cách ly mặt đất trong nhà bảo vệ đang được thử nghiệm, có kết quả tốt, sẽ có hướng dẫn để áp dụng).

- Ngâm hạt với tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh và 1 chút gói kích mầm, ngâm trong 5-6 tiếng, vớt ra ủ vào khăn ẩm trong khoảng 1 đêm. Lấy hạt ra và bắt đầu cho vào ươm.

- Đất làm vườn ươm phải chọn ở những vùng tương đối bằng phẳng, dưới tán rừng, có độ tàn che của rừng từ 80% trở lên, đất giàu mùn, sạch nguồn bệnh, thoát nước tốt.

- Dọn sạch cỏ dại, lên luống có mặt luống cong hình mu rùa, rộng 0,8 - 1,0 m, cao 0,2 - 0,3 m, dài không quá 10 m theo hướng đường đồng mức để hạn chế xói mòn. Nên bổ sung thêm mùn núi (mùn được phân hủy từ xác bã thực vật) để tăng cường dinh dưỡng cho đất.

- Hạt được gieo trong rãnh sâu 2 - 3 cm, với mật độ khoảng 1m2/1 cây. Lưu ý, không gieo các hạt dính sát nhau, khoảng cách giữa các hạt phải trên 2 cm.

- Sau khi gieo xong, lấp đất và phủ một lớp lá khô, cỏ tranh trên mặt luống để giữ ẩm, ấm cho hạt, hạn chế cỏ dại và chống xói mòn.

4. Chăm sóc sau khi gieo hạt

- Để đảm bảo cho cây giống trong vườn ươm sinh trưởng phát triển thuận lợi, tốt nhất nên làm nhà che bằng ni lông trắng hay lưới nhằm hạn chế tác động của ngoại cảnh (mưa to, hiện tượng sương lạnh…) đến sinh trưởng phát triển của cây giống trong vườn ươm.

- Thường xuyên theo dõi, sửa chữa rãnh luống và mương thoát nước, không để vườn ươm bị đọng nước, ngập úng khi có mưa.

- Khi cây giống bắt đầu mọc mầm (5 - 10% hạt đã mọc mầm), thu dọn phần lá cây, cỏ tranh chưa hoai mục trên mặt luống để cây giống sinh trưởng phát triển thuận lợi.

- Thường xuyên theo dõi tưới nước cho cây, đảm bảo đất đủ ẩm.

- Làm cỏ thường xuyên, kết hợp với việc bổ sung mùn núi, nhưng chú ý không làm tổn thương đến cây giống.

- Thường xuyên theo dõi, phát hiện kịp thời những đối tượng dịch hại tấn công cây giống trong vườn ươm để có biện pháp quản lý hiệu quả.

- Dùng lưới nilon căng đứng, cao 35 - 40 cm quanh luống hoặc quanh vườn để ngăn chuột, dúi… cắn cây con.

- Khi cây đã mọc đều, nếu có điều kiện nên bứng trồng vào khay và đưa vào chăm sóc trong nhà có mái che, đặt trên giàn đỡ cách ly mặt đất để quản lý, chăm sóc đảm bảo hơn.

5. Tạo cây con từ mầm thân

Ngoài việc tạo cây con từ hạt theo các phương pháp trên, Sâm Ngọc Linh có thể trồng được từ mầm thân (đầu mầm) bằng cách: Khi thu hoạch phần củ, cắt chừa lại phần mầm của thân rễ (đoạn thân có các mắt) để trồng.

CHÚC BÀ CON THÀNH CÔNG