Lãi 20 triệu đồng một ngày từ ổi lê chính vụ

Với sản lượng thu hoạch có ngày đạt 1,2-1,5 tấn cùng giá bán 20.000 đồng một kg, gia đình cô Phạm Thị Đăng có thể lãi đến 20 triệu đồng.

Gia đình cô Phạm Thị Đăng là một trong những hộ đầu tiên đưa cây ổi lê về trồng ở xã Trác Văn, huyện Duy Tiên. Cô cho biết, trước đây, người dân trong xã chủ yếu trồng ngô, đỗ tương, chăm sóc vất vả mà thu nhập không cao. Khi nhận thấy giống ổi lê có thể phù hợp với chất đất địa phương, cô Đăng lấy giống từ quê nội ở Văn Giang, Hưng Yên về trồng thử.

Lai 20 trieu dong mot ngay tu oi le chinh vu - Anh 1

Từ 3 sào đầu tiên, vườn ổi của cô Phạm Thị Đăng đã mở rộng diện tích lên tới 3,7 mẫu. Ảnh: Bizmedia.

Giống cây này ưa đất thịt Trác Văn nên bén rễ nhanh. Sau 1,5 năm trồng và chăm sóc, cây đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Sau quá trình thử nghiệm, từ khoảng 3 sào Bắc Bộ (1.080m2) trồng thử, cô Đăng đã mở rộng diện tích lên tới 3,7 mẫu (hơn 13.000m2).

Cô Đăng chia sẻ: "Tôi trồng ổi đã 8 - 9 năm nay. Ban đầu, ở đây chỉ có mình gia đình tôi trồng ổi lê, hàng xóm thấy cây ăn quả này cho lãi cao nên xin giống về trồng. Do có nhiều hộ trồng hơn nên giá ổi lê mua tại vườn cũng giảm dần, còn khoảng 20.000 đồng một kg".

"Ổi lê nhân giống chủ yếu bằng cách ghép mắt hoặc chiết cành, nên mình tự chủ được giống", cô Đăng cho biết thêm. Vụ trồng ổi thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4 hoặc tháng 8 đến tháng 10 dương lịch. Sau khi trồng 1,5-2 năm, cây bắt đầu cho quả.

Để quả ổi cho chất lượng tốt, người dân cần thăm vườn thường xuyên, bón phân đều đặn và cắt tỉa cành, hạn chế sâu bệnh. Vườn ổi nhà cô Đăng hầu như không xịt thuốc trừ sâu, mà chủ yếu chỉ tỉa cành, xới cỏ. "Khi vườn quang đãng, cây có đủ chất dinh dưỡng sẽ khỏe, ít bệnh và cho quả ngon hơn", cô Đăng nhấn mạnh. Vào tầm giáp Tết, ổi ra quả non, cây thường có sâu róm nên phải theo dõi thường xuyên, phát hiện sớm và có thể bắt sâu bằng biện pháp thủ công.

Lai 20 trieu dong mot ngay tu oi le chinh vu - Anh 2

Chính vụ ổi lê Trác Văn là từ tháng 4 đến hết tháng 8 dương lịch. Ảnh: Bizmedia.

Lúc quả non bằng khoảng một ngón tay cái người lớn, cô Đăng bắt đầu dùng bao nilon PP và bao xốp để bọc ổi, giúp cho quả đẹp, tránh bị ruồi vàng tấn công. Theo cô, đây là giai đoạn vất vả và tốn kém nhất: "Mỗi cân bao nilon mất 70.000 - 120.000 đồng, được khoảng 500 chiếc, phải đặt người ta làm rỗng hai đầu chứ không dán kín như túi thường. Dù có thể tận dụng dùng lại được khoảng 2 - 3 vụ nhưng mỗi vụ, tôi cũng mất đến vài triệu tiền túi". Ngoài ra, thời điểm này cô thường phải thuê thêm người làm thêm với giá 120.000-30.000 đồng mỗi ngày, lúc cao điểm phải thuê 4-5 người mới làm kịp.

Lai 20 trieu dong mot ngay tu oi le chinh vu - Anh 3

Bọc quả là công đoạn vất vả nhất trong quá trình trồng ổi. Ảnh: Bizmedia.

Sau khi bọc khoảng 3 tháng, cây ổi bắt đầu cho thu hoạch. Quả ổi lê to đều, đạt khoảng 3-4 quả một kg. Chính vụ ổi lê bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 8 dương lịch, còn lại, cây ra quả rải rác quanh năm. Hiện nay, vườn ổi hơn 1.500 gốc của gia đình cô Đăng đều cho thu hoạch. Vào chính vụ, có ngày cả vườn mang về 1,2-1,5 tấn ổi, nếu trừ chi phí sản xuất và thuê nhân công, cô thu được hơn 20 triệu đồng một ngày. Cô cũng chia sẻ thêm, doanh thu này không phải ngày nào cũng đạt được mà phụ thuộc vào sản lượng quả thu hoạch trong ngày.

Quả ổi lê vỏ mỏng cùi dày, ít hạt, có vị ngọt giòn nên được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, toàn xã Trác Văn có khoảng 12 ha trồng ổi lê, chủ yếu cung cấp cho các cửa hàng nông sản sạch tại TP Phủ Lý và một số tỉnh lân cận.

Viết bình luận