Loại quả to mập ra trên thân cây đang tăng giá tốt ở Đồng Nai, nông dân cứ bẻ bán bởi vì điều này

Nông dân trồng ca cao ở các huyện Xuân Lộc, huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) đang hưởng lợi kép, vừa được giá ca cao bán cao, lại vừa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trong chuỗi liên kết bền vững.

Phấn khởi vì giá ca cao tăng

Ông Chu Văn Có, nông dân xã Phú Hòa (huyện Định Quán), trước đây chỉ trồng điều và hoa màu ngắn ngày. Khi Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức triển khai chương trình hỗ trợ trồng ca cao nhằm cải thiện thu nhập, ông quyết định tham gia.

Giá ca cao tăng, nông dân Đồng Nai càng được lợi nhờ liên kết trồng ca cao - Ảnh 1.

 

Ông Chu Văn Có, nông dân trồng ca cao ở xã Phú Hòa (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) chăm sóc vườn ca cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong quá trình canh tác, ông được công ty hỗ trợ vật tư, hướng dẫn kỹ thuật từ chăm sóc đến thu hoạch. Ông còn được hỗ trợ hệ thống tưới tự động, giải quyết vấn đề khó khăn về nước tưới ở địa phương.

Theo ông Có, cây điều thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thời tiết thất thường, năng suất và thu nhập rất bấp bênh. Cây ca cao trồng xen dưới tán điều không yêu cầu cao về kỹ thuật, lại cho thu nhập ổn định và gia tăng giá trị sử dụng đất.

Niên vụ trước, ông thu hoạch hơn 2 tạ trái, giá bán ca cao tươi được công ty thu mua lại từ 5.500-5.700 đồng/kg. Năm nay, giá ca cao tăng vọt, hiện đã lên mức 16.000 đồng/kg. "Vụ thu hoạch này chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận cao. Tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng", ông Có nói.

Ông Phạm Thành Lập - Tổ trưởng Tổ hợp tác Ca cao Trung Hòa (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) kể, từ khi hợp tác với Công ty Ca Cao Trọng Đức, thành viên trong tổ không còn lo đầu ra.

Định kỳ mỗi thứ ba hàng tuần, công ty đến thu mua rồi chở về nhà máy chế biến. Giá mua theo thị trường, nếu giá xuống thấp vẫn được giữ ở mức tối thiểu đã cam kết. Nhờ vậy, nông dân không bị ép giá.

Gần một năm nay, giá ca cao tăng liên tục, bà con rất phấn khởi. Có thời điểm, giá trái tươi đạt 16.000 đồng/kg, hạt khô lên tới 230.000 đồng/kg.

Giá ca cao tăng, nông dân Đồng Nai càng được lợi nhờ liên kết trồng ca cao - Ảnh 2.

 

Giá ca cao trái tươi ở Đồng Nai đang bán ở mức khoảng 16.000 đồng/kg. Giá hạt ca cao khô cũng lên 230.000 đồng/kg. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Theo ông Đặng Tường Khanh – Giám đốc Công ty Ca cao Trọng Đức, giá ca cao tăng do thị trường xuất khẩu tăng trưởng, trong khi nguồn cung toàn cầu giảm vì mất mùa ở nhiều nước. Dự báo năm 2025, thị trường tiếp tục thiếu hụt nguồn cung.

Đồng thời, nông dân có kỹ thuật chăm sóc ca cao tốt hơn. Nhờ đó, vụ này sản lượng tăng 20–30% so với năm ngoái. Nông dân trúng mùa, trúng giá nên lợi nhuận cao, ông Khanh chia sẻ.

Nâng cao giá trị quả ca cao

Tại huyện Xuân Lộc, ông Trương Văn Mỹ – Chủ tịch HĐQT HTX Ca cao Suối Cát cho biết nhờ áp dụng công nghệ cao, HTX đã lan tỏa mô hình canh tác hiệu quả đến nhiều nông dân.

Ba năm qua, HTX định hướng canh tác hữu cơ. Phân bón làm từ đạm cá; thuốc trừ sâu chế biến từ cỏ xuyến chi, sả, ớt. Nhờ vậy, vườn cây cho năng suất cao, trái đẹp, đồng thời bảo vệ sức khỏe nông dân, người tiêu dùng và môi trường.

HTX cũng đầu tư nghiên cứu, chế biến ca cao thành nhiều sản phẩm như bột ca cao, bơ ca cao, son môi, socola đen, socola sữa... Trong đó, khâu sơ chế đóng vai trò quyết định chất lượng.

Giá ca cao tăng, nông dân Đồng Nai càng được lợi nhờ liên kết trồng ca cao - Ảnh 3.

Ông Trương Văn Mỹ – Chủ tịch HĐQT HTX Ca cao Suối Cát (thứ 2, từ phải qua) giới thiệu với du khách về quy trình sản xuất ca cao ở HTX. Ảnh: NVCC

Ông Mỹ cho biết, nhiều nơi dùng hóa chất để khử chua bột ca cao, làm mất 60% chất polyphenol – chất tốt cho sức khỏe. 

Giá ca cao tăng, nông dân Đồng Nai càng được lợi nhờ liên kết trồng ca cao - Ảnh 4.

 

Buổi tập huấn cập nhật tin thức canh tác mới ở HTX Ca cao Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NVCC

HTX Suối Cát đã thử nghiệm thành công phương pháp khử chua bằng lá cây kết hợp điều chỉnh nhiệt độ lên men, giúp giữ được 100% polyphenol. Cách làm này được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao, sẵn sàng mua sản phẩm với giá cao.

HTX cũng phát triển chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ với toàn bộ thành viên canh tác theo chuẩn GlobalGAP. Hiện sản phẩm của HTX đã có nhãn hiệu "Ca cao Thành Ý". Hai sản phẩm là bột ca cao nguyên chất và socola sữa đã được chứng nhận OCOP 3 sao.

Theo UBND xã Suối Cát, nhờ ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch, giá trị sản phẩm tăng cao. Nhiều vườn điều cho thu nhập thấp trước đây đã được thay thế bằng vườn ca cao trĩu quả, cho thu nhập từ 300–400 triệu đồng/ha.

Nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tham gia chuỗi liên kết của HTX. Nhờ đó, số lượng thành viên HTX Ca cao Suối Cát tăng từ 67 lên hơn 100 người, diện tích trồng cũng tăng từ 72ha lên gần 100ha.