Mang cây rừng ở miền núi về trồng, 9x Tiền Giang bỗng thành tỷ phú

Từng thất bại với trồng dừa, mai, chàng thanh niên này quyết mang 100 triệu đồng để mua giống cây này về trồng tại vườn nhà. Sau vài năm, anh đã có tiền tỷ trong tay.

Anh Lê Tấn Thanh Bình (29 tuổi, ngụ ở xã Xuân Đông, Chợ Gạo, Tiền Giang) hiện là chủ của một trong những cơ sở sản xuất cây linh sam hồng đột biến lớn nhất ở miền Tây. Anh đang sở hữu 3 khu vườn với tổng diện tích hơn 1ha, được chia thành các chức năng gồm nuôi cây mẹ, ươm phôi và trưng bày thành phẩm.

Trước đây, cha mẹ để lại cho anh khu vườn dừa 3000m2, hoa lợi chỉ đủ ăn. Cuối năm 2015, nước sông nhiễm mặn, dừa không ra trái nên anh đành phải đốn bỏ để tìm hướng đi mới.

“Có một ít vốn, tôi quay sang trồng mai, nhưng mai cũng không chịu được mặn. Mất thêm 2 năm rồi phải bán tháo đi để thu hồi một phần chi phí.

Hồi đó, tôi thấy tivi nói về cây linh sam ở miền núi phía Bắc có sắc đẹp, lại sống khỏe nên đã tìm hiểu. Khi thấy phù hợp, đặc biệt là ở miền Tây khi đó ít người biết đến, tôi quyết cầm 100 triệu đồng tiền vốn cuối cùng trong nhà để đi mua 14 cây linh sam về làm giống”, anh Bình kể.

Mang cây rừng ở miền núi về trồng, 9x Tiền Giang bỗng thành tỷ phú - 1

Công việc thường ngày của anh Bình là tạo dáng thế cho cây.

Mang cây rừng ở miền núi về trồng, 9x Tiền Giang bỗng thành tỷ phú - 2

Nhờ màu hồng phấn bắt mắt, linh sam đột biến có giá trị cao gấp nhiều lần các giống khác.

Dù có rất nhiều giống linh sam khác nhau trên thị trường, anh chọn loại linh sam hồng đột biến vì anh nhìn thấy tiềm năng sinh lời lớn từ giống cây này. Mang cây về, trồng gần một năm, 9x Tiền Giang bắt đầu chiết cành để vừa nhân giống trong vườn, vừa bán cho khách.

“Đúng như tôi dự đoán, linh sam hồng đột biến bán đắt như tôm tươi, làm không đủ cho khách đặt. Mỗi cây lớn chiết được khoảng 10 cây con, cành chiết 20 ngày đã có thể cắt bán. Những năm đầu mỗi cây nhỏ có giá 100 nghìn đồng, tôi thu lãi lớn, bây giờ tuy giá chỉ còn 20 nghìn đồng/cây nhưng chi phí thấp, lãi vẫn ổn định”, anh nói.

Mang cây rừng ở miền núi về trồng, 9x Tiền Giang bỗng thành tỷ phú - 3

Linh sam già đặc trưng bởi bộ đế đồ sộ, có giá trị từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng mỗi gốc

Cây linh sam rất khỏe, chống chịu tốt, không sâu bệnh, cần rất ít phân và có thể chiết cành quanh năm. Cứ chiết cành, đắp bầu khoảng 20 ngày sẽ bán được, có bao nhiêu cành đều bán được hết.

Điểm đặc biệt hơn nữa là linh sam sau khi cắt cành bán thì gốc lại già lũa, càng ra nhiều bông, giá trị càng cao. Hiện, trong vườn nhà anh, linh sam già có giá trên 2 triệu đồng có khoảng 600 gốc, cá biệt có những gốc giá trị từ 30-50 triệu đồng.

Nhờ kinh doanh cây linh sam hiệu quả, anh Bình đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động lớn tuổi trong vùng với mức thu nhập 7,5 triệu đồng/tháng. Hàng năm, vào những dịp tết, trung thu, khai giảng anh Bình cũng đều trích một phần lợi nhuận chuẩn bị những phần quà trao tặng người già, trẻ em khó khăn trong xã.

Nói về thu nhập từ trồng cây này, anh tiết lộ trung bình mỗi năm anh đút túi trên 500 triệu đồng tiền lãi, sau khi trừ hết chi phí. Anh Bình dự kiến năm nay sẽ mua thêm khu đất trị giá 2 tỷ đồng để làm vườn trưng bày hoa kết hợp dịch vụ tham quan du lịch.

Mang cây rừng ở miền núi về trồng, 9x Tiền Giang bỗng thành tỷ phú - 4

Cành chiết chỉ cần khoảng 20 ngày đã ra đủ rễ, có thể cắt bán.

Mang cây rừng ở miền núi về trồng, 9x Tiền Giang bỗng thành tỷ phú - 3

Ngoài nuôi gốc lớn, anh Bình cũng cho ra dòng sản phẩm gốc nhỏ đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Mang cây rừng ở miền núi về trồng, 9x Tiền Giang bỗng thành tỷ phú - 6

Cơ sở sản xuất linh sam của anh Bình giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Nhận xét về cơ sở sản xuất cây linh sam của anh Bình, ông Trần Xuân Hoàng – Bí thư xã Xuân Đông (Chợ Gạo, Tiền Giang) cho biết: “Cơ sở cây cảnh của anh Bình đóng góp rất tích cực về nhiều mặt cho địa phương. Trước hết, cơ sở đã giải quyết việc làm cho từ 5-10 lao động, tùy thời điểm. Tiếp đó, thương hiệu cây linh sam của anh Bình khiến nhiều khách từ nơi khác biết đến cây cảnh ở xã, tạo thuận lợi cho hoạt động bán hàng của các nhà vườn khác.

Đây là mô hình kinh tế hiệu quả, địa phương rất khuyến khích thanh niên đến tìm hiểu, học tập để có thể nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế”.