Mùa nhót chín đỏ rực góc phố Hà Nội

Những ngày này, đi trên đường, nhiều người lại vô tình bắt gặp những gánh hàng rong xếp đầy nhót chín. Thứ quả có hình bầu dục, to bằng ngón chân cái, màu đỏ căng mọng cùng với lớp phấn trắng sáng rực ấy khiến nhiều người tỏ ra thích thú. Giữa tiết trời cuối xuân se lạnh, mùa nhót chín “tràn về” như mang theo một chút hơi ấm và sắc màu tươi vui, đánh thức và làm bừng sáng những góc phố chìm trong mưa phùn ẩm ướt.

Thức quà gợi nhớ ký ức tuổi thơ

Quả nhót là thứ quà quê quen thuộc, chẳng còn xa lạ với người Hà Nội. Cứ vào đầu tháng tư, khi trời bắt đầu nắng ấm là trên khắp phố phường lại tấp nập những gánh hàng rong quẩy nhót chín đi bán. Năm nay, do thời tiết nồm ấm nên vụ nhót bắt đầu sớm hơn và chỉ còn khoảng hai tuần nữa là kết thúc.

Cuối xuân, nhót chín được nhiều tiểu thương bày bán trên khắp các con phố ở Hà Nội cùng với mận cơm.


Những góc phố như "sáng lên" nhờ màu đỏ tươi rói của nhót chín.

Nhắc đến nhót, trong kí ức nhiều người hẳn sẽ hiện ra hình ảnh những cô cậu học trò ngày bé, cầm quả nhót trên tay rồi thi nhau mài lớp phấn trắng vào quần áo. Có lúc chưa kịp rửa đã cầm quả nhót, chấm muối ớt, xuýt xoa đưa lên miệng, ăn ngon lành.

Quả nhót ngày ấy gắn liền với “vị” đặc trưng của quê hương Bắc Bộ, chua và chát đến tê lưỡi, sún răng. Vị chua của nó ám ảnh đến nỗi khiến nhiều người, chỉ cần nhớ lại cũng đủ ứa nước miếng.

Vẫn là quả nhót chín đỏ au ấy bày bán trên đường phố Hà Nội nhưng hương vị của nó giờ đã khác xưa rất nhiều. Thay vì vị chua, chát đặc trưng, chúng có vị ngọt mềm và hơi thoảng một chút chua nhẹ, thanh mát.

Chị Vũ Thị Hương (một tiểu thương bán nhót trên phố Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội) giải thích, quả nhót có hai loại, loại có vị chua và chát còn được gọi là nhót ta. “Giống nhót ấy giờ ít nơi trồng vì không được giá” – Chị Hương nói. “Trong khi đó, loại nhót ngọt xuất hiện mấy năm nay gần đây được thực khách Hà Nội ưa thích và bán chạy hơn”. 

Theo chị Hương, nhót ngọt khi chín thường đỏ mọng, dày cùi, ăn mềm và ngọt hơn giống nhót ta. Nếu chọn quả chưa chín hẳn có màu vàng thì cũng chỉ hơi chua nhẹ.

Đắt khách, tiểu thương được dịp làm giá

Không phải là giống nhót “chính hiệu” của ký ức nhưng bằng vị chua dịu và màu sắc vui mắt, nhót ngọt cũng đủ trở thành thứ quà quê làm say lòng không ít thực khách.

Chị Hương cho biết, mùa nhót ngắn ngày nên khi thấy trên phố bắt đầu có người bán là nhiều người lại tò mò hỏi mua. Cũng bởi đắt khách nên chỉ một loáng buổi sáng, chị Hương đã bán hết sạch 20kg nhót chín. Chị Hương tiết lộ, có ngày chị thu lãi cả triệu đồng nhờ việc bán nhót.


Giá cao nhưng nhót chín vẫn có sức hấp dẫn khó cưỡng đối với nhiều thực khách.

“Tôi bán nhót giá 80.000 – 90.000 đồng/kg, ấy thế mà vẫn rẻ hơn khối người đấy nhé!” - chị Hương cười. Theo chị, với mức giá này, chị lãi một nửa. Ngày nào đắt khách, chị bán hết khoảng 40kg nhót, thu lãi hơn một triệu đồng.

Thu nhập tuy cao nhưng nghề bán nhót cũng khá vất vả. Chẳng thế mà ngay giữa tiết trời se lạnh, khắp người chị Hương vẫn ướt đẫm mồ hôi vì phải luôn tay phục vụ khách và miệng không ngừng giới thiệu về những quả nhót mình cầm trên tay.

Thấy ai đi qua và ngó vào rổ nhót, chị Hương lại mau miệng mời: “Mua nhót đi anh (chị), nhót ngon lắm”. Nếu khách chưa ưng, chị lại nói thêm: “Loại quả này kỳ lạ lắm, muốn ăn chua hay ngọt đều được”.

 


Những quả nhót ngọt thường to hơn nhót ta, khi chín có màu đỏ thẫm, cùi dày, vị ngọt hơi chua dịu.

Theo chị, quả nhót chín, sau khi xoa hết lớp phấn trắng chỉ cần vần cho nẫu đi một chút rồi ăn thì có vị ngọt mát. Nếu muốn ăn chua thì đừng vần nẫu mà cứ thế chấm với muối ớt, vị chua dịu và hơi chan chát sẽ lan tỏa khắp miệng. Hoặc nếu muốn ăn chua hơn, khách hàng có thể lựa những quả có màu vàng. Đó là những quả chưa chín kỹ nên thường có vị chua và chát hơn những quả màu đỏ.

“Nhót này có nhiều cái hay lắm, khi xanh thì rất chua nhưng chín lại đỏ mọng, ăn mềm và rất ngọt. Khách có thể thưởng thức theo nhiều cách, mỗi cách lại cho ra một mùi vị khác nhau nhưng lạ là dù có ăn theo kiểu nào, dầm muối ớt, vần nẫu hay không thì càng ăn nhiều, càng thấy vị ngọt đọng lại” – chị Hương khẳng định.

Nghe chị Hương giảng giải một lúc, nhiều khách hàng bị thuyết phục rồi mua tới vài cân nhót mang đi. Thấy thế, chị Hương phấn khởi ra mặt. Chị tự hào nói: “Nhót “hút” khách là thế nhưng đâu phải ai cũng đi bán loại quả này được (cười)”.

 


Những gánh hàng rong bán nhót chín len lỏi trên khắp các con phố.

Theo chị, mùa nhót chín chóng vánh nên không bền. Hơn nữa loại quả này rất dễ dập nát. Muốn đi bán phải dậy sớm, nhập hàng về rồi kiểm tra, cẩn thận xếp từng quả nhót vào rổ hàng và lót thật nhiều giấy báo ở dưới. Nếu làm không khéo là lên tới chỗ bán thì nhót cũng hỏng hết.

Cùng chung nhận định với chị Hương, chị Nguyễn Thị Tám nói: “Nhót rất khó vận chuyển đi xa nên không thể về tận những vùng xa xôi đánh hàng lên bán được. Ví như mùa vải, chị em chúng tôi lên tận vựa trồng vải lớn nhất miền Bắc – Bắc Giang - buôn về, ăn chênh lệch nhiều chứ mấy quả nhót thì không ăn thua”.

Theo chị Tám, nhót bán ở Hà Nội hầu hết được trồng ở các vùng như Trôi – Nhổn - Hoài Đức, Phú Xuyên, Chương Mỹ. Cây nhót ngọt rất sai quả. Nếu trồng từ 7 đến 10 năm và chăm sóc đúng kỹ thuật, một cây nhót có thể cho ra khoảng 1,5 tạ quả/năm.

Nhót đắt khách nên các tiểu thương bán hàng rong cũng được dịp làm giá với thực khách. Mức giá của nhót chín rất chênh lệch, thông thường dao động từ  70.000 đến 90.000 đồng/kg tùy chất lượng. Riêng ở khu vực phố cổ, giá nhót lên tới 120.000 – 150.000 đồng/kg.

 

Mua nhót trên phố, khách nên chú ý mặc cả vì các tiểu thương thường "chém" giá gấp đôi.

Mua nhót chín trên phố, khách phải mặc cả hết sức khéo léo vì các tiểu thương thường nói thách gấp đôi. Chị Nguyễn Phương Hồng (Cầu Giấy – Hà Nội) kể lại: “Sáng nay đi trên phố thấy có hàng nhót chín nên dừng lại hỏi mua. Chị bán hàng nói giá 120.000 đồng/kg. Tôi chê đắt nên không mua, đang định quay đi thì chị bán hàng gọi lại. Sau một hồi mặc cả, tôi cũng mua được 1kg nhót với giá 80.000 đồng”.

Theo chị Hồng, quả nhót khá to, căng mọng và nặng cân nên 1kg cũng chỉ được khoảng 40 quả. Chị Hồng nói: “Tính ra là 2.000 đồng/quả nhót (cười). Giá này đúng là hơi chát nhưng mỗi năm mới có một mùa nhót nên tôi nghĩ cũng nên rộng tay một chút”.

 

Trong khi đó, chị Vũ Thị Thủy (Đống Đa – Hà Nội) phàn nàn: “Sáng ra thấy hàng nhót trên phố Đinh Liệt, tôi hỏi mua, họ nói 150.000 đồng/kg. Tôi mặc cả mãi mới mua được 0.5kg nhót với giá 120.000 đồng/kg nhưng đến chỗ làm, nói chuyện với mọi người mới biết mình bị hớ. Tôi đoán chắc họ nhìn người để làm giá".

Riêng bà Trần Thị Doan (70 tuổi, Cầu Giấy – Hà Nội) vừa mua 0,3kg nhót về chỉ để… ngắm. Bà nói: “Già rồi, ăn mấy thứ này sao được nhưng nhìn vui mắt rồi lại mua về thắp hương và ngắm chơi”.

Nói rồi bà Doan lại ngồi xuống góc vỉa hè, ngẩn ngơ nhìn mấy hàng bán nhót rồi ngân nga câu thơ của nhà thơ Tế Hanh: "Vườn nhỏ nhà em có của chua/ Một hôm anh đến hỏi bông đùa… Mùa xuân đã đến rồi em đó/ Cây nhót nhà em có quả chưa?".

Viết bình luận