Nấm BUNASHIMEJ: Cơ hội mới

Tiến sỹ Trương Bình Nguyên – Trưởng phòng Công nghệ vi sinh thuộc Viện Sinh học Tây Nguyên, chủ nhiệm đề tài nấm Bunashimeji – cho biết: Viện Sinh học Tây Nguyên là nơi đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu và trồng thử nghiệm thành công nấm linh chi nâu có nguồn gốc từ Nhật Bản tại Đà Lạt. Kết quả này đã mở ra một cơ hội mới cho người dân trong vùng trong thời gian sắp đến. 


Theo TS Trương Bình Nguyên, từ năm 2005, nấm Bunashimeji lần đầu tiên được đưa về Việt Nam và được nghiên cứu, nuôi trồng thử nghiệm tại Phân viện Sinh học Đà Lạt (Viện Sinh học Tây Nguyên ngày nay). Loại nấm này có tên khoa học là Hypsizygus marmoreus (tên tiếng Nhật là Bunashimeji), dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “nấm cẩm thạch”, hay còn gọi là 
nấm linh chi nâu. Đây là một loại nấm được dùng làm thức ăn khá bổ dưỡng, hiện đang rất được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… 


Bunashimeji là một loại nấm ưa lạnh, thích hợp với nhiệt độ khoảng dưới 20oC; và Đà Lạt được xem là nơi lý tưởng để loại nấm này phát triển. Từ 2005 đến đầu 2007, việc trồng thử nghiệm giống nấm hoàn toàn mới – nấm linh chi nâu – tại Đà Lạt đã mang lại kết quả khả quan: Hàm lượng các chất protein, xơ, lipid… và từ hình dáng đến màu sắc đều đạt chuẩn. Tuy nhiên, từ 2008 đến tháng 7/2009, đề tài bị gián đoạn bởi nhiều lý do, trong đó có lý do kinh phí. Mới đây, được sự chấp thuận của Sở KHCN TP HCM, đề tài nấm Bunashimeji của Viện Sinh học Tây Nguyên đã được khởi động trở lại với một quy mô lớn hơn, có nhiều triển vọng hơn.



“Theo kế hoạch, trong thời gian 10 tháng tới đây, chúng tôi sẽ hoàn thành quy trình công nghệ trồng loại nấm nhập ngoại này theo hướng “nội địa hóa”; để đến giữa năm 2011 (14 tháng tiếp theo) sẽ cho ra đời khoảng 300 mẻ nấm thành phẩm đầu tiên” – TS Trương Bình Nguyên nói. Được biết, đề tài nghiên cứu khoa học về nấm Bunashimeji của Viện Sinh học Tây Nguyên hiện đã được Sở KHCN TP HCM đồng ý cấp kinh phí 1 tỷ đồng (cộng với vốn đối ứng gần 900 triệu đồng) để thực hiện. Trên thị trường hiện nay, một kg nấm linh chi nâu được xuất xưởng với giá tương đương 40.000 đồng Việt Nam. Nếu theo quy trình sản xuất của Viện Sinh học Tây Nguyên thì 300 mẻ xuất xưởng đầu tiên vào giữa năm 2011 sẽ tương đương với 30 tấn nấm thành phẩm. 


TS Trương Bình Nguyên cho biết thêm: “Dự kiến sau 2 năm (từ nay đến tháng 7/2011), chúng tôi sẽ hoàn vốn khoảng 60%, số vốn còn lại sẽ được hoàn trả trong thời gian tiếp theo”. Hiện đã có Công ty TNHH sinh học Công Thành (Đồng Nai), đơn vị sản xuất nấm mèo lớn nhất Việt Nam, đồng ý hợp tác với Viện Sinh học Tây Nguyên để hiện đại hóa dây chuyền sản xuất nấm linh chi nâu với nguồn vốn chắc chắc không nhỏ. Về vấn đề tiêu thụ, cũng theo TS Trương Bình Nguyên, Viện đã làm việc chính thức với Công ty TNHH XNK Cao Nguyên Xanh (TP HCM) và được đơn vị này đồng ý 
bao tiêu toàn bộ sản phẩm.


Theo khảo sát của Cty TNHH XNK Cao Nguyên Xanh, đơn vị có khả năng tiêu thụ tại riêng thị trường TP HCM khoảng 300kg trong tổng số nhu cầu 1 tấn nấm Bunashimeji mỗi ngày. “Đó là con số được khảo sát từ năm ngoái – 2008. Đến nay, chắc chắn nhu cầu của thị trường sẽ lớn hơn nhiều” – TS Trương Bình Nguyên nhấn mạnh. Và cũng cần nói thêm, đó mới chỉ là thị trường TP HCM, nếu mở rộng ra Việt Nam thì nhu cầu về nấm Bunashimeji trong thực tế sẽ còn lớn hơn rất nhiều. 


Tại Nhật Bản, theo kết quả khảo sát của Viện Sinh học Tây Nguyên, sản lượng nấm Bunashimeji làm ra từ 60.000 tấn năm 1995 đã tăng lên 4 triệu tấn vào năm 2002; từ 2002 đến nay, con số này đã tăng đều vài nghìn tấn mỗi năm. “Với kinh nghiệm của mình, nếu được chuyển giao công nghệ, người dân Đà Lạt hoàn toàn có đủ khả năng sản xuất thành công loại nấm ưa lạnh (thích hợp với khí hậu Đà Lạt) để cung cấp cho thị trường trong tỉnh, trong nước và cả nước ngoài” – TS Trương Bình Nguyên khẳng định.


Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam 

Viết bình luận