Ngành mía đường tăng cường liên kết để hội nhập

TS Cao Anh Dương, Viện trưởng Viện nghiên cứu Mía đường (Viện Khoa học nông nghiệp VN) khẳng định, lượng đường sản xuất trong nước đang tồn kho ở mức cao kỷ lục, tình hình buôn lậu đường ở một số cửa khẩu vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và tiêu thụ đường trong nước.

Trong khi, theo lộ trình, sau năm 2018, thuế xuất nhập khẩu mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0% thay vì 30% như hiện nay. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải tái cơ cấu lại ngành mía đường nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành để sẵn sàng cho hội nhập.  

Bị tác động mạnh

Gần đây các hoạt động mua bán và sáp nhập hay “liên kết ngang” giữa các đơn vị thành viên trong cùng một tập đoàn hoặc có chung một số cổ đông lớn và “liên kết dọc” giữa các doanh nghiệp mía đường với nông dân và các doanh nghiệp cung cấp vốn vay, nguyên vật liệu đầu vào như phân bón, thiết bị tưới, cơ giới hóa, ngân hàng… cũng như doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đường, bên cạnh và sau đường (như sản xuất sữa, bia, rượu, bánh kẹo, gỗ ép, tiêu thụ điện năng…) đang diễn ra rầm rộ như những giải pháp của quá trình tái cơ cấu ngành mía đường.

Thực ra việc liên kết trong ngành mía đường đã có từ lâu qua việc hình thành các liên hiệp xí nghiệp công nông nghiệp mía đường, sau này là các tổng công ty… sáp nhập nhiều nhà máy đường ở nhiều vùng miền khác nhau với các nông trường, cả viện nghiên cứu, trường đào tạo nghề… vào chung 1 đơn vị.

Gần đây là chủ trương liên kết "4 nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) do Chính phủ phát động thực hiện trong toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, việc liên kết đó không hoàn toàn xuất phát từ yêu cầu của thị trường và lợi ích của các chủ thể tham gia liên kết mà chủ yếu xuất phát từ yêu cầu chủ quan, mang tính áp đặt, nên hiệu quả liên kết chưa cao.

Khi bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, mía đường là một trong những ngành bị tác động mạnh mẽ nhất. Áp lực cạnh tranh lúc này không chỉ giới hạn giữa các doanh nghiệp mía đường trong nước mà còn mở rộng sang cả khu vực và toàn thế giới.

Do vậy, những doanh nghiệp nhỏ, đơn lẻ như trong nước hiện nay rất khó có thể tồn tại và cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp đa quốc gia, thậm chí ngay trên chính sân nhà.

Trong bối cảnh đó, nhu cầu liên kết ngang giữa các doanh nghiệp mía đường đơn lẻ với nhau để hình thành nên các doanh nghiệp lớn mạnh, hay liên kết dọc giữa các doanh nghiệp mía đường với các doanh nghiệp khác trong chuỗi giá trị sản xuất mía đường ngày càng cấp thiết hơn,nhằm tạo sự cộng hưởng để cùng phát triển và cùng chia sẻ cơ hội, rủi ro, cũng như thách thức khi hội nhập.  

Liên kết ngang – Liên kết dọc

Cả nước hiện có 41 nhà máy đường với vùng nguyên liệu mía khoảng gần 300 ngàn ha. Mỗi nhà máy có từng thế mạnh khác nhau về thương hiệu, thị phần, công nghệ sản xuất, chất lượng hay về vùng nguyên liệu, giá thành… Tuy nhiên, vẫn có 27/41 nhà máy công suất nhỏ hơn 3.000 tấn mía/ngày, 32/41 nhà máy không có hệ thống sản xuất điện đồng phát, 28/41 nhà máy đường không có sản phẩm phụ sau đường và 31/41 nhà máy đường có giá thành sản xuất đường ở mức trên 12.000đ/kg…

Khi hội nhập, nếu tiếp tục đứng riêng lẻ, hầu hết các nhà máy đường sẽ khó tồn tại để cạnh tranh với các doanh nghiệp mía đường nước ngoài, nhất là về giá thành sản xuất. Chính vì vậy, nhu cầu liên kết ngang giữa các doanh nghiệp mía đường với nhau là hết sức cần thiết, nhằm tận dụng được thế mạnh của từng doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, tăng cường nội lực và đủ để áp dụng đồng bộ các giải pháp tiến bộ kỹ thuật trong canh tác mía và chế biến đường nâng cao năng lực cạnh tranh.

Điển hình nhất là việc mua bán và sáp nhập hàng loạt các doanh nghiệp mía đường cả trong và ngoài nước của TTC Group vừa gian qua. Trong thời gian ngắn, TTC đã liên kết thành công 8 nhà máy đường, với đủ các loại hình sở hữu thành một thương hiệu duy nhất là Đường Thành Thành Công (TTCS), với gần 50.000ha mía nguyên liệu và sản lượng đường chiếm khoảng 30% thị phần cả nước. Sau sáp nhập, TTCS đưa mục tiêu hạ giá đường xuống dưới 10.500đ/kg để cạnh tranh sòng phẳng khi hội nhập.

Có thể nói, liên kết để lớn mạnh là xu hướng tất yếu của ngành mía đường Việt Nam trước thời khắc hội nhập đang tới gần.

Khác với liên kết ngang, các chủ thể liên kết dọc được phân công để đảm nhiệm từng khâu hay công đoạn riêng biệt trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, nhằm chuyên môn hóa, tối ưu hóa toàn bộ quá trình sản xuất nhằm mục đích đưa hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao nhất và bền vững nhất, đem lại cơ hội và lợi ích cũng như chia sẻ rủi do, thách thức cho tất các bên tham gia.

Điển hình của liên kết dọc là mới đây Đường Quảng Ngãi (QNS) và một đơn vị phân bón đã ký đối tác chiến lược. Việc ký kết nhằm tổng kết những kết quả đã đạt trong thời gian liên kết để chuyển qua một giai đoạn liên kết mới, đó là cải thiện năng lực cạnh tranh của cả hai đơn vị, sẵn sàng cho hội nhập quốc tế.

Như vậy, các doanh nghiệp đường cần có sẵn một lựa chọn liên kết để cải thiện nội lực và năng lực cạnh tranh của mình. Đó là sự liên kết dọc giữa "4 nhà". Hay đơn giản là sự liên kết giữa nông dân trồng mía và nhà máy đường trong sản xuất mía và chế biến đường; giữa doanh nghiệp mía đường với các doanh nghiệp khác trong cùng chuỗi giá trị sản xuất.

Nhờ liên kết, QNS từ 1 công ty quốc doanh nhỏ thành một doanh nghiệp mía đường có giá trị thị trường trên 1 “tỷ đô la” đầu tiên của ngành với 2 nhà máy và vùng mía nguyên liệu ở An Khê, Gia Lai lớn nhất cả nước hiện nay.

Nhờ áp dụng cơ giới hóa, khảo nghiệm, tuyển chọn giống mía mới – hợp tác với Viện Nghiên cứu Mía đường mà năng suất mía bình quân toàn vùng An Khê đã được nâng từ mức dưới 50 tấn/ha đầu những năm 2000 lên mức trên 70 tấn/ha hiện nay (cao gấp 6 lần so với mức tăng bình quân của thế giới là 0,2 tấn/năm).

Viết bình luận