NGƯỜI “MANG” VƯỜN TRÁI CÂY NAM BỘ RA QUẢNG NAM

Sinh ra ở H. Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, vợ chồng anh Lê Bá Tùng bén duyên với xứ Quảng và đã xây dựng trang trại trồng trái cây kiểu Nam Bộ tại xã Tam Mỹ Tây (H. Núi Thành, Quảng Nam) đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Lê Bá Tùng chăm bón vườn cây.

Sau khi lập gia đình vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, anh Lê Bá Tùng (1971) rời quê ra tỉnh Bình Phước lập nghiệp, nhưng cuộc sống ở đây vẫn chưa hết gian truân. Trong lần ra Quảng Nam vào năm 2012 thăm ông Dượng tại xã Tam Mỹ Tây (H. Núi Thành), nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng ở đây có thể trồng cây ăn trái Nam Bộ, anh quyết định mua 2,5ha đất đồi thuộc thôn Tú Mỹ (xã Tam Mỹ Tây) để lập trang trại thực hiện mơ ước của mình: “mang” vườn trái cây Nam Bộ ra Núi Thành.

Có được khu đất đồi thoáng đãng, với kinh nghiệm làm vườn của người miền Nam sẵn có và qua học hỏi thêm từ báo đài, vợ chồng anh bắt tay vào cải tạo khu đất đồi, xây dựng đường ống dẫn nước dài hơn 1.000 mét từ Hố Trung về trang trại. Đồng thời anh tất bật về lại quê nhà tận Bến Tre mua các loại cây giống chôm chôm, quýt, xoài về trồng. Sau thời gian ngắn với tinh thần lao động cật lực của 2 vợ chồng và gần chục nhân công, đến cuối năm 2012, anh đã trồng được 300 cây chôm chôm, 300 cây xoài và các loại cam, quýt trồng xen kẽ, mỗi thứ 100 cây, trong đó chôm chôm là loại cây vùng Nam Bộ lần đầu tiên được trồng tại đất Tam Mỹ Tây. Sau gần 4 năm, từ 2012 đến 2016, trang trại cây ăn quả của vợ chồng anh Lê Bá Tùng đã bắt đầu cho thu hoạch. Vụ đầu hái các loại trái cây chôm chôm, quýt, xoài, anh đạt doanh thu hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí, còn lãi 60 triệu đồng… Từ đó đến nay, hàng năm, anh thu hoạch các loại trái cây ăn quả thường xuyên và đem lại thu nhập ổn định.

Anh Lê Bá Tùng chia sẻ: “Đất đồi ở khu vực Tam Mỹ Tây rất tốt, phù hợp với trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây quả có múi như cam, quýt, bưởi… Tuy nhiên, thời tiết ở đây bất thường, mưa kéo thường dài dễ gây bệnh cho cây ăn quả. Kinh nghiệm của tôi là thường xuyên theo dõi cây trồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh để có biện pháp phòng ngừa, đồng thời phải siêng chăm sóc, bón phân, tưới nước kịp thời…”.

Ông Lê Văn Hồng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Mỹ Tây nhận xét: “Anh Tùng có kinh nghiệm làm vườn của một nông dân Nam Bộ, lần đầu tiên anh đem cây chôm chôm trồng trên đất Tam Mỹ Tây và chất lượng trái chôm chôm rất ngọt, giòn, thơm không kém chôm chôm Nam Bộ, chúng tôi đã tạo điều kiện để anh vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi và tập huấn kỹ thuật sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch cũng như tạo mọi thuận lợi để anh Tùng phát triển trang trại… Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ cho anh”.

Anh Tùng chia sẻ, trang trại của tôi được địa phương hỗ trợ về nhiều mặt và anh đang muốn mở rộng quy mô diện tích, tiếp tục hình thành mô hình vườn cây ăn trái Nam Bộ tại đây. “Tôi cũng sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm làm vườn kiểu Nam Bộ cho những ai muốn học hỏi. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, tôi mong rằng địa phương và các đơn vị tạo điều kiện cho tôi mở rộng diện tích trang trại cũng như hỗ trợ nguồn vốn để gia đình tiếp tục xây dựng mô hình vườn cây trái Nam Bộ quy mô tại Quảng Nam, góp phần tăng thu nhập cho bản thân và đóng góp xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp” – anh Lê Bá Tùng nói.

Viết bình luận