Những biến dị hình hài ẩn chứa phía sau những nương ngô 'ướt đẫm' thuốc trừ cỏ

Chỉ một cái bản thôi mà đã có ít nhất 5 trường hợp bị sảy thai nghi do thuốc trừ cỏ là Lò Thị Nhom (1 lần), Lù Thị Dung (1 lần), Lò Thị Thắm (1 lần), Hoàng Thị Thương (1 lần), Lường Thị Vân (2 lần).

Hương ước cấm thuốc độc

Nếu các loại vật tư nông nghiệp khác như giống, phân bón thường được các chủ đầu tư bán trả chậm dạng nặng lãi cho nông dân vì giá trị lớn thì ngược lại thuốc trừ cỏ tuy độc hại lại có giá rất rẻ. Thêm vào đó là những lời khuyến cáo hời hợi hay thậm chí thổi phồng lợi ích của giới kinh doanh, của ngành quản lý khiến cho nông dân lạm dụng thuốc.

16-19-02_dsc_879216-19-02_dsc_8936
Đơn kêu cứu của một trưởng bản và một phụ nữ bị sảy thai hai lần

Tại Sơn La lượng thuốc BVTV nói chung (trong đó có thuốc trừ cỏ) sử dụng liên tục tăng trong thời gian gần đây. Năm 2010 là 58.907kg (lít) thì đến năm 2016 đã vọt lên thành 287.247kg, điều đó đồng nghĩa cứ mỗi 1ha đất nông nghiệp được tưới đẫm 1 - 2 lít chất độc, nếu tính lượng theo tỷ lệ hòa tan thì còn cao gấp hàng chục, hàng trăm lần.

Đại lý Điệp Du ở xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu (Sơn La) cho tôi hay 1ha ngô cần 18kg giống tương đương 2 triệu đồng, cần 1 tấn phân các loại tương đương 5 - 6 triệu đồng, trong khi thuốc trừ cỏ theo lý thuyết chỉ cần khoảng 1 triệu đồng. Tuy nhiên theo thói quen của nông dân, khuyến cáo cháy nhanh, cháy chậm 7 lọ thì họ phun 15 lọ (lọ 900ml), thuốc trừ cỏ bột khuyến cáo khoảng 1kg thì họ phun 2kg. Tổng cộng hai loại thuốc này đã là khoảng 50 - 60 bình loại 18 lít.

Cũng theo anh Điệp, chủ đại lý Điệp Du, trước đây giá thuốc cháy nhanh phổ biến ở mức 70.000 - 75.000 đ/lọ nhưng nay trước thời điểm lệnh cấm có hiệu lực, các công ty đều giảm giá khuyến khích những đại lý bán ra chỉ 60.000 - 65.000 đ/lọ để đẩy hết hàng tồn. Bán thuốc BVTV là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, phải có kho tàng kín để giảm thiểu sự độc hại nhưng vì lợi nhuận lắm cửa hàng tạp hóa như kem, mì tôm, quần áo, giày dép kiêm luôn cả thuốc BVTV.

Giữa lúc thuốc độc có nguy cơ tràn ngập khắp núi đồi, nương rẫy, sông suối ở Sơn La, ít ai ngờ lại có một bản làng đã thức tỉnh để ra hẳn một hương ước cấm. Đó chính là Ngùa - một bản người Thái có 153 hộ với khoảng 700 nhân khẩu ở xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu.

Phía sau những nương ngô là phận đới 'hẩm hiu'

Già làng Lường Văn Chựa giải thích giản dị với tôi rằng: “Đất đai cần cây cỏ, ngày xưa người ta còn cắt cỏ ủ làm phân xanh nhưng nay diệt hết cỏ thì đất cũng hết màu. Thuốc trừ cỏ là nguyên nhân mà chúng tôi nghi ngờ nhất đã gây ra nhiều vụ ngộ độc, sảy thai ở trên địa bàn. Hơn thế, nguồn nước ăn của cả bản là mó Hua Đán nằm ở trên cao, nếu phun thuốc trừ cỏ sẽ không còn dùng được nữa…”.

Nói thì đơn giản nhưng để ra được hương ước cấm là cả một quá trình gian khổ. Không quản ngại đã gần trưa, ông Chựa dẫn tôi đi một vòng quanh bản xem hành trình chết chóc của thuốc trừ cỏ. Không đâu xa, Vì Thị Hoàng con dâu trưởng bản Lò Văn Hùng là một trường hợp điển hình.

Vì Thị Hoàng bị đẻ non hai lần

Lấy vợ là một cô gái Xinh Mun xinh đẹp ở bản Tà Vàng xã Loóng Phiêng nên theo luật tục anh phải ở rể. Ngày ngày hai vợ chồng cần mẫn làm nương rẫy và cần mẫn phun thuốc trừ cỏ. Hoàng chửa và đẻ non hai lần. Lần thứ nhất đẻ non mới 7 tháng phải nuôi trong lồng kính 10 ngày rồi đem về nuôi được 5 tháng, đã bập bẹ hóng chuyện thì Lò Nam Khánh chết. Lần thứ hai đẻ non mới 8 tháng đang nằm lồng kính thì Lò Hoàng Anh cũng mất luôn.

“Thuốc trừ cỏ không có mùi gì đặc biệt mà chỉ như không khí bình thường nên không ai biết đường mà tránh anh ạ!”. Hoàng tâm sự với tôi. Quá sợ hãi trước sự tác hại của thuốc, ông trưởng bản phải kéo con dâu về nhà, cấm không cho đi phun thuốc trừ cỏ thì mới đậu được thằng cháu Lò Nhật Long. Nó sinh ra đủ tháng, đủ ngày và rất khỏe mạnh.

Chỉ một cái bản thôi mà đã có ít nhất 5 trường hợp bị sảy thai nghi do thuốc trừ cỏ là Lò Thị Nhom (1 lần), Lù Thị Dung (1 lần), Lò Thị Thắm (1 lần), Hoàng Thị Thương (1 lần), Lường Thị Vân (2 lần). Nhiều trường hợp sảy sau khi đi phun thuốc nhưng cũng có trường hợp như Lò Thị Thắm chỉ phụ chồng đổ nước vào bình thôi sau đó cũng sảy thai.

Lường Thị Vân: “Cái thai đã to bằng hơn một nắm tay, có đủ chân tay, mắt mũi”

Thấy chất độc đang ăn mòn thế hệ con cháu mình, hội đồng bô lão cùng trưởng bản Ngùa đã họp để xin bổ sung vào hương ước. Đến khi họp toàn dân, lúc đầu ½ người tham dự phản đối vì những cái tiện lợi của thuốc trừ cỏ đã ngấm sâu vào đời sống, đâu dễ dàng từ bỏ. Họ lý luận: “Nhà nước không cấm sao riêng bản mình cấm thì khác nào tự làm khó dân mình”.

Ban quản lý bản phải giảng giải đại ý rằng không phải cứ cái gì dễ dàng là làm mà phải tính đến hậu quả bệnh tật cho đời mình, đời con, đời cháu mình. Họ lại phân tích về nguyên nhân của những ca ngộ độc trên địa bàn để thuyết phục: “Ai không chấp hành, sẵn sàng vi phạm gây ra hậu quả bệnh tật hay chết người thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ai?”. Không ai dám cả.

Hương ước được lập năm 2012 với quy định ai vi phạm lần một sẽ bị các đoàn thể kiểm điểm. Ai vi phạm lần hai sẽ bị đưa ra toàn thể nhân dân bản kiểm điểm. Ai vi phạm lần ba sẽ không được xét gia đình văn hóa hay vay vốn đã đành mà còn phải lao động công ích như dọn rác, nhặt vỏ chai thuốc.

Từ đó đến nay chỉ có ba trường hợp vi phạm lần đầu là Lường Văn Khâu, Lô Văn Hùng và Lò Văn Mai. Họ thường lén đi phun thuốc vào buổi tối để bản khó bắt được quả tang nhưng chính những đám cỏ chết như ngả rạ ở trên nương là bằng chứng gián tiếp tố cáo họ, bắt họ phải cúi đầu nhận lỗi trước nhân dân.  

Vẫn còn chưa hết lo

Từ hồi bản Ngùa cấm thuốc trừ cỏ, các trường hợp ngộ độc hay sảy thai kỳ lạ giảm hẳn, tuy nhiên vẫn còn bởi các bản khác vẫn phun. Lường Thị Vân là một nạn nhân như vậy. Vân kể: Một lần em đi qua nương ngô mới phun thuốc trừ cỏ và bị dị ứng. Đầu tiên nó chỉ như vết muỗi đốt, rất ngứa nên gãi khiến cho chân mủ sưng mọng lên, người khó thở phải đi truyền 4 chai giải độc. 1 tuần sau thấy hiện tượng ra máu cá, đi khám mới biết cái thai 2 tháng đã chết lưu, nó chỉ bắt đầu hình thành tim (năm 2015).

Lần thứ hai em đi qua nương mía mới phun thuốc, không có biểu hiện ngứa ngáy gì nhưng 2 tuần sau lại ra máu cá, khám mới biết cái thai 4 tháng đã chết lưu, nó đã có đủ chân tay, mắt mũi (năm 2017). Xét nghiệm ở bệnh viện huyện em mới biết rằng mình bị nhiễm độc, bác sĩ khuyên phải đợi 1 năm nữa mới được đẻ tiếp.

Bác sĩ Lường Văn Quyết - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Châu kiêm chủ phòng khám tại gia thông tin: Mỗi năm phòng khám của tôi có khoảng 10 bệnh nhân nhiễm độc thuốc trừ cỏ đến cấp cứu, chỉ khoảng 1/3 là sống sót. Những ai uống thuốc trừ cỏ sẽ không ăn được do thực quản cháy, lở loét mồm miệng, suy gan, suy thận, suy hô hấp, tỉnh táo, đau đớn đến tận lúc chết.

16-19-02_dsc_8904
Bác sĩ Lường Văn Quyết - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Yên Châu: “Phụ nữ tiếp xúc với thuốc trừ cỏ có nguy cơ đẻ ra con quái thai”

Những ai đang mang thai hay có vết thương hở khi tiếp xúc với thuốc trong sản xuất sẽ có biểu hiện khó thở, phát ban, mạch nhanh, huyết áp thấp, rất dễ nhầm là say nắng. Nhiều người bị nhiễm độc một cách rất tình cờ như đi chăn bò, con bò đi tìm cỏ, con người đi theo, gặp phải vùng mới phun thuốc thế là dính.

Họ không tử vong ngay nhưng ảnh hưởng về lâu dài có thể sinh ra con quái thai như trường hợp chị Lường Thị Hảy đẻ ra một đứa bé tròn như quả bí, không đầu, không chân. Nhiều trường hợp khác có thai dưới 3 tháng tuổi nhưng sảy liên quan đến việc phun thuốc trừ cỏ hay đi tình cờ đi qua nương mới phun như chị Lường Thị Trang, chị Lò Thị Liêm ở xã Chiềng Sàng. Nhiều trường hợp khác đi khám vì mờ mắt, da hóa chàm mãi không thể khỏi, hỏi ra cũng lại là đã tiếp xúc với thuốc trừ cỏ...

Viết bình luận