Phòng trừ sâu đục trái đậu xanh

Sâu đục trái đậu xanh có tên khoa học là Maruca testulalis; Họ: Pyralidae; Bộ Lepidopera. Đây là loài sâu có phổ ký chủ rất rộng gồm đậu xanh, trắng, đen, đũa, cô-ve, bông so đũa... Sâu xanh có lông thường ở bên ngoài trái, thò đầu vào bên trong ăn hạt rồi sau đó bỏ đi sang ăn trái khác. 


Sâu đục bên trong trái đậu xanh, thường nhiều con cùng thải phân ra ngoài đó. Bướm có màu nâu đậm, giữa cánh trước có một vệt màu trắng; cánh sau màu trắng bóng có bìa nâu đen, thân dài 10-13 mm. Ấu trùng màu trắng hơi nâu, trên lưng mỗi đốt có sáu đốm vuông cạnh hay bầu dục màu nâu đậm. Trứng được đẻ trên hoa, đài và trái non. Sâu non kết hoa lại, ăn phá bên trong hoặc đục vào bên trong trái non, chất phân thải làm trái bị dơ, dễ rụng. 


Do sâu nằm sâu trong trái nên khó phòng trị. 
Nhộng làm trong các kẹt lá khô. Loài này xuất hiện nhiều trong mùa mưa. Ấu trùng có thời gian phát triển khoảng 10 ngày. Chu kỳ sinh trưởng lâu độ 3 tuần đến 1 tháng. Trong trường hợp mật số sâu cao, nếu không phòng trị kịp thời sẽ gây thất thu năng suất đậu xanh đến 90%.


Phòng trị:


Nên trồng sớm và đồng loạt để dễ theo dõi, không nên xen canh với các cây cùng họ như: đậu xanh, đậu đũa, đậu trắng, đậu đen.


Khi có nhiều sâu, sử dụng một trong các loại thuốc gốc cúc có tính phân hủy nhanh trong giai đoạn tăng trưởng trái như Cyperan 10EC, Cyper 25EC, Arrivo 10EC, Peran 10 EC, Agroperin 10EC, Tigifast 10EC... với nồng độ 10-20 ml/bình 16 lít (2-3 bình/1.000 m2) vào trước giai đoạn ra hoa hoặc lúc tạo trái non. Để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, nên ngưng xịt thuốc vài ngày trước khi thu hoạch.


Thuốc vi sinh BT có chứa độc tố và bào tử vi khuẩn Bacillus thuringiensis, thường rất có hiệu quả đối với sâu thuộc họ Pyralidae này. Nên trộn thuốc hóa học với thuốc BT để vừa tăng hiệu lực vừa ít bị sâu kháng thuốc.



Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam 

Viết bình luận