PHÚ YÊN – TỪ VÙNG ĐẤT KHÔ CẰN TRỞ THÀNH “THIÊN ĐƯỜNG” DƯỢC LIỆU SẠCH

Phú Yên, mảnh đất miền Trung, nơi đồi núi chiếm tới 70% diện tích đất tự nhiên và phần còn lại chỉ là cát, cát và cát, lại chính là một “vựa” dược liệu sạch đã từng có thời là nguồn đối ứng chủ lực để đổi lấy những viên thuốc kháng sinh cho đất nước…

Chuyến du lịch đầu tiên của tôi đến vùng đất “hoa vàng trên cỏ xanh”, sau những ngày lang thang trên các bãi biển hoang sơ, ăn những món hải sản không thể ngon hơn bởi độ tươi đi kèm các món nước chấm đặc biệt, hưởng đủ cái nắng cháy da trên cao nguyên Vân Hà, tưởng chẳng có gì có thể gây ngạc nhiên hơn thì cuối cùng lại bị choáng ngợp bởi một khu vườn… dược liệu.

Nghe bạn bè mách bảo: “Đến Phú Yên mà không đi mua đặc sản dược liệu sạch về làm quà thì thật phí công”, tôi liền tìm đến Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung.

Sau khi mua thỏa thuê những gói Diệp hạ châu về thải độc gan cho ông chồng hay nhậu nhẹt, tinh chất mầm đậu nành cho chị gái đang tuổi “tiền mãn”, rồi trà Hồng đài để “chống lão hóa” cho bản thân, đến lúc định ra về thì tôi bỗng bị thu hút bởi màu vàng rực rỡ khu vườn đinh lăng. Tò mò đi lòng vòng quanh trung tâm bất chấp trời đang nắng như đổ lửa, tôi đã được nghe một câu chuyện có thật mà như mơ của mảnh đất khô cằn, “trồng lúa lúa không trổ bông, trồng ngô ngô không có hạt” này.

Bà Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc Trung tâm chia sẻ, thập kỷ 80, Việt nam rất thiếu thuốc chữa bệnh mà lại không có tiền ngoại tệ để nhập. Vì vậy, khi ấy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Duy Cương đã muốn làm những vùng sản xuất dược liệu để xuất khẩu, lấy tiền nhập thuốc trở về.Hóa ra, Phú Yên, mảnh đất miền Trung, nơi đồi núi chiếm tới 70% diện tích đất tự nhiên và phần còn lại chỉ là cát, cát và cát, lại chính là một “vựa” dược liệu sạch đã từng có thời là nguồn lực đối ứng chủ lực để đổi lấy những viên thuốc kháng sinh cho đất nước những năm khó khăn sau giải phóng.

Sau khi khảo sát từ Quảng Trị cho tới Bình Thuận, với sự phối hợp của Pháp và Hà Lan thì phát hiện ra ở Phú Yên, cây dừa cạn có hoạt chất alkaloid cao nhất thế giới, với 300mg, trong khi thế giới cao nhất cũng chỉ có 144mg.

Theo lời kể của người kỹ sư vốn sinh ra nơi thành phố nhưng đã gắn gó với mảnh đất Phú Yên mấy chục năm qua thì khu đất này ngày xưa là vành đai của phi trường Tuy Hòa, bom đạn rất nhiều. Dân cũng không dám ở vì họ sợ mãnh hổ, lôi hổ, bạch hổ “giết người dữ lắm.”

Ấy thế mà, cây dừa cạn ở đây lại rất hợp đất, hợp nước ở vùng này, cứ thế phát triển và nhân rộng. Lá thì xuất sang Hung-ga-ri để nhập về thuốc có hydrocortisone – loại thuốc kháng viêm đang vô cùng thiếu, rồi xuất sang Pháp để lấy ngoại tệ mua thuốc tây về.

Kỹ sư Tuyết Anh: Nơi chỉ có cát và cát, nay đã trở thành vườn dây thìa canh xanh mướt
Kỹ sư Tuyết Anh: Nơi chỉ có cát và cát, nay đã trở thành vườn dây thìa canh xanh mướt, là nguồn nguyên liệu sạch để sản xuất ra loại trà hỗ trợ điều trị tiểu đường

Nhờ có các chuyên gia Pháp, Nhật, Đức… bà Tuyết Anh cùng Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung đã nghiên cứu và trồng thêm nhiều cây dược liệu ngoại khác như bụp dấm, phan tả diệp, gừng Nhật Bản, mã đề…

Và rồi, hơn 15 ha đất cát trắng trồng khoai thì không có củ, trồng lúa không trổ bông, trồng ngô không có hạt… nay đã được phủ lên màu vàng rực rỡ của đinh lăng, màu đỏ quyến rũ của bụp dấm (hồng đài), màu xanh mướt mắt của diệp hạ châu (dân gian thường gọi là chó đẻ), màu tím dịu dàng của dừa cạn, màu trắng tinh khiết của hoa râu mèo… và hàng loạt các loại cây dược liệu quý hiếm khác. Cùng với đó là một phân xưởng sơ chế, tinh chế dược liệu hiện đại.

Diệp hạ châu - loài dược liệu đang được người nông dân Phú Yên chăm sóc để cung cấp ra thị trường loại trà chữa bệnh về gan
Diệp hạ châu – loài dược liệu đang được người nông dân Phú Yên chăm sóc để cung cấp ra thị trường loại trà chữa bệnh về gan

Đáng chú ý, trong hơn 40 loại cây ở Trung tâm, có nhiều loại cây có hoạt chất cao nhất đang được phát triển, nhân rộng. Đặc biệt, ngoài dừa cạn hỗ trợ điều trị ung thư thì hiện nay, Trung tâm đang triển khai phát triển mạnh loại cây dây thìa canh để sản xuất trà chữa tiểu đường, lạc tiên tây để sản xuất trà chữa mất ngủ và cây diệp hạ châu để sản xuất trà giúp tăng cường chức năng gan… Đây đều là những loại dược liệu đã đạt tiêu chuẩn GACP-WHO (tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới).

Chia sẻ thêm kiến thức về dược liệu, bà Tuyết Anh cho biết, “Diệp hạ châu có tới mấy chục loại, và không phải loại nào cũng tốt cho gan. Hơn nữa, còn phải phụ thuộc vào việc trồng ở vùng nào thì mới cho hoạt chất cao, tác dụng tốt. Các loại cây dược liệu khác cũng vậy. Đó chính là lý do mà nhiều nhà máy sản xuất thuốc trên cả nước đã chọn mua nguồn dược liệu của Trung tâm về để bào chế thuốc. Các sản phẩm này cũng được xuất khẩu sang các thị trường Đức, Pháp, Nhật, Đài Loan (Trung Quốc), Hungary…”

Hiện nay, không chỉ bảo đảm đầu ra cho người dân, cung cấp nguồn dược liệu sạch cho các nhà máy, Trung tâm cũng trực tiếp chiết xuất và sản xuất các sản phẩm mang nhãn hiệu HerbEco và được coi là món quà đặc sản của tỉnh Phú Yên.

Du khách thích thú khi mua sản phẩm được sản xuất từ dược liệu sạch tại Trung tâm
Du khách thích thú khi mua sản phẩm được sản xuất từ dược liệu sạch tại Trung tâm

Riêng về diệp hạ châu, Trung tâm có những sản phẩm lá, cao chiết, trà túi lọc… phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường. Hiện nay, dược liệu này đang được Trung tâm thương lượng với thị trường Nhật, Úc.

Kỹ sư Nguyễn Tuyết Anh nói, việc mở cửa này mục đích chính là muốn du khách biết về cây thuốc nam “made in Vietnam” thông qua dòng sản phẩm HerbEco dược liệu sạch 100%.

“Sản phẩm của chúng tôi đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới nhưng đáng buồn là dược liệu đạt chuẩn của Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường trong nước khiến chúng tôi vẫn rất trăn trở”, bà Tuyết Anh chia sẻ.

Vừa bảo vệ nguồn gen, vừa giúp dân “hái ra tiền”

Bảo vệ nguồn gen dược liệu quý là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà bà Tuyết Anh đặt ra cho Trung tâm của mình. Làm thế nào để có kinh phí để làm việc đó cũng không phải là điều khó với một người xuất thân từ gia đình giàu có nhờ kinh doanh như bà.

“Chúng tôi không bảo tồn như cách thường làm là từng diện tích 9m mà bảo tồn diện tích thật lớn rồi bán cho người dân hoặc đầu tư để canh tác. Đấy là cách để có kinh phí làm bảo tồn – bảo tồn thông qua thương mại hóa một cách bền vững. Đến nay, chúng tôi đã bán được rất nhiều vườn dược liệu, giúp tăng thu nhập cho người dân” – bà Tuyết Anh chia sẻ và nói thêm: “Tôi tự hào là người duy nhất có khả năng triển khai thành công quy mô đại trà của Liên Xô để sản xuất dược liệu sạch cho Việt Nam, khi mà hầu hết người khác đều thất bại.”

“Nông dân họ sẵn sàng làm theo mình. Mình muốn trồng cây gì là phát động được ngay” – bà Tuyết Anh nói.

Phát triển nguồn dược liệu sạch đồng thời với việc tăng thu nhập cho người dân là cách làm hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc của dự án BioTrade do Liên minh châu Âu tài trợ với mục đích hỗ trợ trong việc xây dựng các vùng dược liệu sạch. Dự án BioTrade được triển khai tại Việt Nam trong bốn năm bắt đầu từ tháng 4/2016. Mục tiêu của dự án là phát triển 50 chuỗi giá trị dược liệu sạch, an toàn, bền vững.

Bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý hiếm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm Dược liệu miền Trung, nay là Công ty HerbEco
Bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý hiếm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm Dược liệu miền Trung

Nhiều năm qua, Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung và tổ chức BioTrade đã hợp tác với nhau khá bền vững trong việc phát triển các vườn dược liệu sạch theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Bà Hoàng Thị Thu Hương, cán bộ điều phối của dự án BioTrade cho biết, “BioTrade đã nghiên cứu nhiều vùng để xây dựng vùng dược liệu sạch, để cùng các doanh nghiệp dược Việt Nam có được nguồn nguyên liệu dược có chất lượng ổn định, đồng thời bảo tồn các cây làm thuốc ở Việt Nam không bị mất nguồn gen quý hiếm thông qua trồng trọt và thu hái bền vững”.

Một tin vui được bà Tuyết Anh chia sẻ, đó là Trung tâm đang bảo vệ nguồn gen xáo tam phân có tác dụng phòng tai biến mạch máu não, bảo vệ chức năng gan; sâm Phú Yên chống được virus HIV, chống khối u, chống tăng huyết áp… Trước thực trạng sâm Phú Yên có nguy cơ bị tuyệt chủng, Trung tâm đã nhân giống bằng việc mua cây con về trồng khảo nghiệm, hướng tới trồng đại trà, chế biến sản phẩm sạch, hướng tới xây dựng thương hiệu sâm Phú Yên, giải quyết công ăn việc làm cho người nông dân.

Mới đây, nhóm nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền trung đã công bố lại tên khoa học cây cam thảo đá bia. Đây là loài mới đối với thế giới, loài thảo dược đặc hữu, quý hiếm có tên khoa học là Jasminanthes Tuyeanhiae T.B.Tran& Rodda Apocynaceae.

“Hiện nay chúng tôi đang kết hợp với Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh phân tích một lần nữa chất có trong cây cam thảo đá bia xem đó là chất gì mà độ ngọt cao gấp cả nghìn lần đường, hơn nữa lại có tác dụng thay thế đường cho các bệnh nhân tiểu đường. Chúng tôi cũng đang thực hiện nhân giống, cấy mô cây này”, kỹ sư Tuyết Anh vui vẻ tiết lộ.

Viết bình luận