Quýt hương, của ngon còn một chút này!

Hễ ai vào vườn quýt, lỡ tay bóc một quả, chẳng khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”, không thể thoát khỏi bởi mùi hương đặc biệt bay từ đầu vườn đến cuối vườn đã ngầm tố cáo

Giống quýt tiến vua này có từ đời nảo, đời nào trên đất Văn Lý (Lý Nhân, Hà Nam) chẳng ai nhớ rõ nhưng các cụ bảo, lịch sử của nó không dưới vài trăm năm, khởi đầu từ một “quýt tổ” rồi lan ra cả làng, cả xã. Giờ đây loại cây đặc sản đó đang có nguy cơ tuyệt diệt khi 
dự án phục hồi đã thất bại hoàn toàn. 


Quýt hương có vị ngọt dịu, mùi thơm khó có thể lẫn mà nếu bóc vỏ, dù có vầy vò tay mấy lần dưới nước mùi thơm đó cũng không hết. Khác với giống quýt của địa phương khác, quýt hương quả dẹt, vỏ giòn, mỏng vừa phải, khi chín màu vàng ươm. Không chỉ ăn múi, hàng năm cứ vào mùa rươi (tháng 9 - 10 Âm lịch) cũng là mùa quýt chín, người ta dùng vỏ quýt để làm tăng hương vị của món chả rươi, rất tốn cơm mà lại lâu ngán…


Quýt Văn Lý đã từng nổi tiếng khắp nơi không những trong nước mà còn được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Vào những năm 1960 - 1970, quýt Văn Lý đã được xuất khẩu sang Liên Xô và một số nước Đông Âu cũ. Hồi đó, đi đâu trên đất Văn Lý cũng gặp màu xanh mướt của những vườn quýt rộng bao la. Mùa quả chín khắp nẻo đường quê lúc lỉu những gánh quýt vàng óng như tơ tằm đang mùa kéo kén. 


Quýt nhiều đến nỗi chỉ riêng ở HTX Văn Lý người ta giao sản cho dân một cách lạ đời, không bằng thóc mà đóng bằng quýt và còn tổ chức lập trạm thu mua luôn mỗi khi vào mùa. Trong trí nhớ già nua của ông Lưu Văn Dương - một lái thương quýt hương thời xưa, nay đã ngoại 80 tuổi mà vẫn còn vương vấn lắm với những khu vườn có cây quýt cao to đến độ phải bắc thang lên hái, sai quả đến mức như 2 cây kỷ lục của vườn nhà bố ông Chuẩn phải è cổ gánh đủ 15 gánh mới hết quả. 


Gánh quýt hồi đó tương đương 50kg vị chi mỗi cây cho tới 4 tạ quả. Mỗi cân quýt hồi đó bán đổi ngang 3 cân thóc, thế nên ở đâu đói kém không rõ chứ giữa thời bao cấp ngặt nghèo nhất, dân Văn Lý vẫn no cơm, ấm bụng nhờ cây đặc sản của mình. Quýt hương còn có tên gọi là “quýt cơm” là vì thế. Hết “đánh đông, dẹp tây”, quýt hương còn được vinh dự là mẫu hoa quả được đặt hàng đặc biệt cung cấp cho Đại hội đảng 4 toàn quốc năm 1976.


Thời hoàng kim của cây quýt dần suy tàn khi cách đây chừng ba mươi năm, chúng đồng loạt bị nhiễm bệnh do hết nhện đỏ hại lại greening rồi chảy gôm, thối rễ… chữa trị đủ kiểu cũng không khỏi khiến cho nhiều nhà vườn nhạt lòng với quýt hương. Kể từ đận bị bệnh tật tàn phá, đến mấy chục năm gần như mất dấu quýt hương trên đất này cho đến khi TS Phan Thị Nguyệt Minh đem về dự án xây dựng, bảo tồn quỹ gen các giống hoa quả quý vùng Lý Nhân như quýt hương Văn Lý, hồng Nhân Hậu, chuối Đại Hoàng. 


Dự án được Quỹ môi trường Thế giới kết hợp với Viện Nghiên cứu KHKT Châu Á - Thái Bình Dương thực hiện. Năm 2002 dự án vào đợt một có 70 hộ tham gia, năm 2006 dự án vào đợt hai cũng khoảng chừng ấy hộ xung phong. Các đợt tập huấn kỹ thuật, các nhà khoa học tới tấp về khiến dân chúng càng vững tin vào dự án. Nhiều hộ sẵn sàng chặt gốc nhãn, trốc gốc vải để trồng lại giống quýt xưa. Vườn ươm giống ở nhà anh Đào Anh Hoặc khi ấy nhộn nhịp cảnh sản xuất mắt ghép chứ không như lời mỉa mai của chính anh về khu vườn “chết trôi” như ngày nay. 

 

Anh Hoặc bảo ngoài vườn giống nơi đây cũng là địa điểm bố trí thực hành luôn cho nông dân. Chỉ cho tôi xem hệ thống nhà lưới trong đó còn trơ trọi một cây S0 (cây từ cây gốc - chuyên để sản xuất giống) anh bảo: “Mình là người đau nhất. Đa số là tiền túi bỏ ra bởi tiền đầu tư 1 sào theo dự án là 2,5 triệu cho 3 năm trong đó hỗ trợ 50% bằng hình thức cây giống, thuốc… là quá thấp. Như nhà tôi đầu tư 1,8 mẫu hết ít nhất cỡ 70 triệu rồi, thế mà chúng cứ lụi dần do bị thối rễ, bị bệnh tật khiến phải chặt bỏ 7 sào chuyển sang trồng chuối… Mới rồi các anh ở Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Bắc Trung bộ định xin cái cây S0 này tôi mừng quá vì nếu họ lấy còn hy vọng có điều kiện để chăm sóc, bảo tồn giống quýt quý chứ tôi định cuối năm nay sẽ đưa hoa ly vào trồng hết trong nhà lưới, có lẽ sẽ phải phá bỏ hết quýt”.


Ông Đào Văn Siêu - nguyên bí thư đảng uỷ xã Văn Lý - người hăng hái nhất khi có dự án phục hồi quýt hương giờ bùi ngùi bên khu vườn còn lưa thưa vài cây quýt của mình bảo: “Khi chúng tôi sinh ra, lớn lên đã thấy những vườn quýt rồi. Hồi đó, quýt có hàng trăm mẫu. Kinh nghiệm của các cụ chăm quýt cũng cầu kỳ lắm. Các cụ ngâm đỗ hoặc da trâu, bò cho thối rữa rồi tưới cho cây chứ không dùng phân hoá học. Các cụ dùng bồ hóng trộn vôi để tưới diệt sâu nhớt vào mùa xuân hễ có sâu đục thân thì dùng dao khoét một lỗ nhỏ rồi lấy tay mây “câu” sâu ra. 


Khi ấy bố tôi mỗi độ quýt chín, ông dậy từ nửa đêm gánh hàng đi ga Đồng Văn bắt tàu lên chợ Đồng Xuân, Bắc Qua để bán rồi tới đêm sau mới về nhà. Những người sành ăn Hà Nội đã thử nếm một lần quýt hương là mê, là nghiện để rồi lại đếm ngày, bấm tháng chờ đợi đến tận mùa quýt sang năm… Từ hồi những năm 80-90, thị trường quýt thay đổi, quýt Nam tràn ra, quýt Tàu dội về, giá rẻ hơn hẳn đã khiến quýt hương lao đao. Quýt hương chỉ còn bán được cho những cán bộ huyện, tỉnh mua để thưởng thức hay biếu trung ương vì giá đắt. Thêm vào đó, nạn sâu bệnh hoành hành càng khiến cho những vườn quýt cứ thu hẹp, mất dần. Quýt hương đứng trước nguy cơ tuyệt chủng”.


Vừa nói ông Siêu vừa mở đĩa VCD thuyết minh về cái dạo dự án vào, trong đó nét mặt người nông dân nào cũng hồ hởi mà tươi nhất vẫn là ông cựu Bí thư: “Lúc đầu dự án vào cũng khó khăn lắm vì vườn nhà ai cũng đã trồng cây khác rồi, vận động mãi chỉ một số hộ còn lưu luyến với quýt hương mới dám chặt bỏ cây tạp để tham gia. Lúc đầu cây cũng phát triển tốt lắm vì làm đúng quy trình BVTV nhưng dần dần dân cứ ngãng dần ra bởi đầu tư quá tốn kém, bởi sâu bệnh lại ào ào quay lại. 


Một sào một năm mất ít nhất 1,5 triệu tiền phòng nhện, rầy, rệp… có giai đoạn hễ 1 tuần mà không 
phun thuốc 1 lần là hỏng; tiền phân bón mất 700.000-800.000đ vị chi 3 triệu đồng/sào chưa kể tiền công, tiền thuê đất. Đời sống nhiều hộ còn khó khăn nên hạt thóc không nuôi nổi vườn quýt, cây quýt cứ rơi rụng dần”. Dẫn tôi đi thăm vườn, ông cứ như canh cánh một nỗi: “Giờ chỉ còn mỗi nhà tôi với nhà ông Hoặc là còn giữ được ít quýt chứ hàng trăm hộ đã chặt băng hết rồi”. 

Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam 

Viết bình luận