TRĂM NĂM THÚ CHƠI HOA THỦY TIÊN NGÀY TẾT

Hàng thế kỷ qua, người Hà Nội vẫn gìn giữ một thú chơi ngày Tết tao nhã là mua và gọt củ thủy tiên. Đêm giao thừa, cả gia đình quây quần dưới bàn thờ tổ tiên, chờ thời khắc có bông thủy tiên bật nở thì đó là năm vô cùng may mắn, an lành.

Người xưa có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Người Hà Nội gốc nổi tiếng cầu kỳ, tao nhã từ lời ăn tiếng nói đến những thú chơi. Nhiều tài liệu còn ghi nhận từ đầu thế kỷ XX, hoa thủy tiên luôn có mặt trong gia đình người Hà Nội ngày Tết.

 

Trước Tết khoảng một tháng, các gia đình quyền quý tìm mua những củ hoa thủy tiên to đẹp về cho cô con gái rượu cắt gọt và chờ thời khắc hoa nở đúng giao thừa. Xưa kia, đền Bạch Mã có cuộc thi thưởng hoa thủy tiên nhưng đến những năm 1960 thì bị thất truyền. Thú chơi này chỉ còn trong vài gia đình lưu giữ.

th.jpg

Quầy bán hoa thủy tiên trong chợ Tết Hà Nội năm 1929. Ảnh tư liệu.

Trong tác phẩm “Một người Hà Nội”, Nguyễn Khải đã dựng lên hình tượng   một người phụ nữ Hà Nội gốc cầu kỳ, kỹ tính, thông minh, thanh lịch từ lối sống đến miếng ăn, cách ứng xử hàng ngày. Nhân vật “cô Hiền” của tác giả là người giữ thú chơi hoa thủy tiên mỗi dịp xuân về, được miêu tả như sau:

“…Nhiều năm đã trôi qua. Tôi sống ở thành phố Hồ Chí Minh thỉnh thoảng có việc phải ra Hà Nội đều ghé lại thăm cô Hiền. Chú tôi đã mất rồi. Các em đã có gia đình riêng. Chúng nó cũng đã bắt đầu già. Lớp các cụ trong họ chỉ còn vài người, cô Hiền là một. Cô đã yếu nhiều, đã già hẳn, ngoài bẩy mươi rồi còn gì, nhưng cô vẫn là người của hôm nay, thuần túy Hà Nội, không pha trộn. Nơi tiếp khách của cô sau tấm bình phong cao hơn đầu người bằng gỗ chạm suốt mấy chục năm không hề thay đổi.

Một bộ sa lông gụ “cái khánh”, cái sập gụ chân quì chạm rất đẹp nhưng không khảm, cái tủ chùa một cánh bên trong bày một cái lọ men Thúy Hồng, một cái lư đời Hán, một cái liễn hấp sâm Giang Tây, và mấy thứ bình lọ màu men thì thường nhưng có dáng lạ, chả rõ từ đời nào. Cô đang lau đánh một cái bát thủy tiên men đỏ, hai cái đầu rồng gắn nổi bằng đồng, miệng chân cũng đều bịt đồng, thật đẹp. Bên ngoài trời rét, mưa rây lả lướt chỉ đủ làm ẩm áo chứ không làm ướt, lại nhìn một bà lão (nếu là một thiếu nữ thì phải hơn) lau đánh cái bát bày thủy tiên thấy tết quá, Hà Nội quá, muốn ở thêm ít ngày ăn một cái tết Hà Nội.

Năm nay chắc chưa thể có thủy tiên. Dân Hà Nội nhảy tàu lên Lạng Sơn buôn bán đủ thứ mà lại không buôn được vài ngàn củ thủy tiên nhỉ ? Ví thử có thủy tiên liệu còn có người biết gọt tỉa thủy tiên? Lại thêm cái cách sống, cái tâm lý sống ồ ạt, xô bồ, vụ lợi của đám người vừa thoát khỏi cái chết cái khổ đã dễ gì có được sự bình tĩnh để thưởng thức vẻ đẹp trang trọng của một rò hoa thủy tiên”.

1_1423614992.jpg

Mỗi năm ông Nguyễn Phú Cường đều gọt vài chục bình hoa thủy tiên, để chưng trong nhà và tặng bạn bè ngày Tết. 

Trong ký ức tuổi thơ của ông Nguyễn Phú Cường 70 tuổi (Thành Công, Hà Nội) hoa thủy tiên gắn với hình ảnh ông bà ngoại. Ngày xưa, ông sống cùng ông bà ở phố Sinh Từ, nơi đó có giếng khơi trong vắt, bể nước mưa mát lành. Trước Tết, ông Cường đều thấy ông ngoại tỷ mỷ gọt cắt củ thủy tiên, thay nước mưa ngày một để đặt lên bàn thờ chơi Tết.

Thời cuộc thay đổi, sau đó thú chơi này mai một. Đến năm 1996, một lần dạo phố Tết ông thấy mấy thủy tiên xấu xí, nằm lăn lóc giữa các loài hoa rực rỡ. Kỷ niệm ngày xưa ùa về, ông liền mua vài củ thủy tiên cứ gọt, cứ mày mò. Từ đó Tết năm nào nhà ông cũng có hoa nở nhưng bình hoa không đẹp.

t14.jpg

Một bình hoa thủy tiên đẹp là lá dưới, hoa trên, móng rồng trắng ôm trọn thân hoa.

Năm 2003, ông được một người bán hàng giới thiệu có một Việt kiều Mỹ rất sành chơi thủy tiên. Ông Cường cùng con gái tìm đến khách sạn ở Hàng Đào, được vị khách nọ kể nhiều câu chuyện về loài hoa này.

Sau khi thấy con gái ông Cường gọt đẹp, người Việt kiều này đã tặng bố con ông hai con dao bằng thép trắng và truyền lại một số kỹ thuật gọt hoa cơ bản. “Gọt hoa thủy tiên quan trọng nhất là làm sao cho lá quặn thấp, hoa thấp và cong theo nhiều hướng chứ không cao ngổng như người mới chơi thường gọt. Kiểu gọt lá dưới, hoa trên này đã bị thất truyền từ lâu”, ông Cường nói.

Cuộc gặp gỡ tình cờ từ đó đã giúp những chậu hoa thủy tiên của ông Cường đẹp hơn. Mỗi năm ông thường chơi hoa vào các dịp Tết Dương lịch, Tết ông Công ông Táo, Tết Nguyên Đán và Nguyên tiêu. Trong đó, dịp Tết cổ truyền ông gọt nhiều nhất, khoảng 30 bát, vừa chơi ở nhà, vừa tặng bạn bè.

Theo ông Cường, hoa thủy tiên là một thú chơi công phu. Suốt khoảng 21 ngày trước khi hoa nở, ngày nào ông và vợ mình cũng phải phải mất nhiều giờ tắm rửa, kỳ cọ, thay nước cho 30 chậu hoa.

“Vào thời khắc giao thừa, hương thủy tiên cùng hương thơm của cam Canh, bưởi Diễn, phật thủ, hương trầm hòa quyện lại. 5 mùi hương báo hiệu mùa xuân chính thức đã về”, ông Cường, người cán bộ Bộ Nội thương, cho hay.

thuytien8.jpg

Hoa thủy tiên được bày bán nhiều trên các tuyến phố Hà Nội ngày Tết và đang thịnh hành trong những người trẻ. 

Hoa thủy tiên hay còn được gọi là ” nàng tiên nước” khó tính mang vẻ đẹp kiêu sa mà thuần khiết. Bình hoa sạch sẽ, trắng tinh, được người chơi tắm rửa hàng ngày, nuôi dưỡng bằng nước mưa, để tỏ lòng hiếu kính, dâng lên tổ tiên ngày Tết.

Loài hoa này mang đến may mắn, tài lộc và an lành. Người xưa tin rằng, có một bình hoa nở đúng giao thừa thì năm mới sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến với gia đình.

Hiện nay, thú chơi này không chỉ có trong những người lớn tuổi mà rất nhiều bạn trẻ tìm chơi. Nó cũng không bó hẹp trong người Hà Nội mà lan ra nhiều tỉnh thành khác. 

Viết bình luận