Trồng bưởi hàng hóa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng

 Tận dụng tiềm năng về quỹ đất và tập quán canh tác kinh tế vườn đồi của người dân, xã Giang Sơn Đông chủ trương đưa mô hình trồng bưởi Diễn vào trồng ở nhiều xóm. Hiệu quả bước đầu của các mô hình  tạo tiền đề để xã tiếp tục nhân rộng hiệu quả  đầu tư cho cây ăn quả có giá trị này.

Có mặt tại cánh đồng bưởi Diễn của hộ ông Đào Danh Bảy - xóm Xuân Thịnh, xã Giang Sơn Đông, được biết: năm nay ông Bảy cùng gia đình quyết định cải tạo vườn tạp trồng thêm 200 gốc, đưa tổng số gốc bưởi Diễn tại khu đất đồi gia đình đạt gần 1.000 cây. Cây bưởi bén duyên với ông đã gần 10 năm, kể từ khi ông được trực tiếp tham quan mô hình trồng bưởi Làng Diễn (Hà Nội). Gắn bó với cây bưởi Diễn, ông Bảy cho rằng đây là đối tượng cây không mới nhưng mô hình trong huyện, xã chưa có. Bưởi dễ trồng, cần xử lý hố trồng bằng vôi, bón thêm phân chuồng, nước tưới. Muốn có hiệu quả thì khâu cây giống phải được tuyển chọn những cây khỏe mạnh, rõ nguồn gốc. Quy trình kỹ thuật phải đảm bảo sẽ phát huy hiệu quả kinh tế.

Ông Đào Danh Bảy đang giới thiệu cây bưởi giống.
Ông Đào Danh Bảy đang giới thiệu cây bưởi giống.

Nhờ chăm sóc tốt, sau 3 năm đưa mô hình cây bưởi trồng trên đất vườn đồi, đến nay từ 30 gốc bưởi đầu tiên, ông đã quy hoạch gần 800 cây bưởi Diễn đang ở vào độ tuổi thu hoạch. Ông cho biết: Bưởi quả tròn, chín màu vàng tươi rất đẹp, có vị ngọt, mềm, thu hoạch đúng dịp bán tết nên rất có giá. Từ đầu năm đến nay, gia đình thu hoạch  trên 9.000 quả, bình quân 1,2 - 1,5 kg/quả, với giá bán tận vườn 35 ngàn đồng/quả,  thu về gần 300 triệu đồng/năm. Theo ông Bảy, nhờ chất lượng bưởi ngon nên chưa đến mùa thu hoạch, các tiểu thương ở Đô Lương, TP.Vinh, Hà Tĩnh đến tận nơi đặt cọc thu mua. Mấy năm nay nhu cầu thị trường về bưởi Diễn ngày càng tăng nên không đủ bán. Hiện ông đang đứng ra phối hợp với Viện giống cây trồng Trung ương làm đại lý cung ứng giống bưởi Diễn cho bà con, bình quân khoảng trên 200 gốc/năm. Ông còn mở rộng quy mô trang trại bưởi bằng cách chăn nuôi hơn 200 con gà thả vườn, đào thả 1,5 ha ao cá để tăng thu nhập.

Cùng với mô hình này, từ năm 2013 đến nay, mô hình trồng bưởi Diễn của anh Nguyễn Hữu Vinh - xóm Nam Tân cũng phát huy hiệu quả kinh tế rõ nét. Mô hình hiện trồng 100 gốc bưởi Diễn cho thu nhập bình quân  gần 80 -100 triệu đồng/năm. Theo anh Vinh, sắp tới anh đang tính toán việc thầu thêm đất vườn đồi để mở rộng khoảng 400 cây bưởi Diễn cung ứng sản phẩm cho thị trường.

Giang Sơn Đông được tách ra từ xã Giang Sơn cũ. Mặc dù là địa phương mới được chia tách, hạ tầng kinh tế chưa đồng bộ song điều kiện tự nhiên, truyền thống thâm canh cây trồng hàng hóa của người dân có nhiều thuận lợi. Là xã nằm trên đường quốc lộ 15A, giáp ranh với các huyện Tân Kỳ, Yên Thành tạo điều kiện trong việc tiêu thụ nông sản phẩm cho nông dân. Toàn xã hiện có quỹ đất tự nhiên rộng lớn, đất sản xuất nông nghiệp chiếm ¼ tổng diện tích tự nhiên, đa phần là đất vườn đồi, đồi vệ,  độ dốc không lớn và ít phân tán. Người dân chịu khó, cần cù. Những thuận lợi đó là tiềm năng cho việc xây dựng các mô hình cây con mới có hiệu quả trên đất vườn đồi.

Ông cho biết: Bưởi quả tròn, chín màu vàng tươi rất đẹp, có vị ngọt, mềm, thu hoạch đúng dịp bán tết nên rất có giá.
Ông Đào Danh Bảy cho biết: Bưởi quả tròn, chín màu vàng tươi rất đẹp, có vị ngọt, mềm, thu hoạch đúng dịp bán tết nên rất có giá.

Không ngừng trăn trở với hướng đi phát triển kinh tế của địa phương, những năm gần đây, Đảng ủy, chính quyền xã Giang Sơn Tây ban hành Nghị quyết chuyên đề hàng năm về phát triển kinh tế, ưu tiên xây dựng cánh đồng thu nhập cao. Sau chuyển đổi ruộng đất, xã chủ trương khuyến khích người dân nhường đất, đổi đất cho nhau tạo thành vùng rộng lớn để mở rộng chuyên canh hàng hóa bằng các mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm/mô hình, điển hình như 60 ha mía tại xóm Phố, Liên Giang, Hòa Bình; 5 ha rau màu thu nhập cao trồng bí xanh, hành tăm, dưa hấu ở xóm Hòa Bình, Tây Xuân, Yên Tân. Đặc biệt, 2 năm gần đây, nhiều mô hình trồng bưởi Diễn tại Xuân Thịnh và Nam Tân đã cho thấy hiệu quả không gì thay thế trên đất vườn đồi Giang Sơn Đông.

Ông Nguyễn Quang Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Đông cho biết:  Để phát triển mô hình trồng bưởi Diễn thành hàng hóa, UBND xã có chủ trương vận động nhân dân xóa bỏ vườn tạp, chỉ đạo trưởng, phó chi đoàn, chi hội 19 xóm tổ chức hội thảo tại vườn của địa phương mình. Trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp, hiện nay xã đang xây dựng mô hình 0,5 ha trồng 170 cây giống bưởi hồng Quang Tiến tại hộ anh Lê Văn Long – xóm Thịnh Đồng. Mô hình được Trung tâm khuyến nông tỉnh đầu tư 100% cây giống, hỗ trợ 30% phân chuồng trong vòng 4 năm đầu. Hiện giống bưởi đã được xã, Trạm khuyến nông huyện bàn giao tận tay cho  gia đình để trồng vào đầu vụ xuân. Dự kiến mô hình hành công, xã sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh để đầu tư có trọng điểm đối với cây bưởi hàng hóa , nhân rộng khoảng 10 - 20 mô hình để cung ứng sản phẩm bưởi ngon cho thị trường nội tiêu.

Hiện nay UBND xã Giang Sơn Đông đang xây dựng kế hoạch tham mưu huyện, Đảng ủy ban hành Nghị quyết Đảng bộ xã về đề án đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp, cây rau màu hàng hóa, cây ăn quả như đại táo, ổi Đài Loan, bưởi hồng, bưởi Diễn. Bên cạnh cây lúa, ngô, cây lâm nghiệp thì cây ăn quả được coi trọng. Những vùng có cây chủ lực phải được lựa chọn và tập trung sản xuất lớn ngay từ đầu, nếu khả năng phát triển hàng hóa lớn thì cần có dự án và chính sách khuyến khích để nhân rộng.

Viết bình luận