Trồng cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa

Với tổng diện tích gần 16.800ha, các loại cây ăn quả đang mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho nhiều hộ dân trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh ta chưa phát triển được các vùng trồng cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung nên hiệu quả kinh tế từ loại cây trồng này chưa tương xứng với tiềm năng.

 

Mùa này, cả khu vực núi Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (Võ Nhai) vàng rực màu quýt chín. Vậy là sau hơn chục năm bén rễ ở vùng đất mới, không phụ công chăm bón của người dân nơi đây, giống quýt Bắc Sơn đã đơm hoa, kết trái và mang lại cho bà con nguồn thu nhập đáng kể. Hiện nay, cả xã có hơn 30 gia đình trồng quýt, hộ ít có khoảng 200 cây, hộ nhiều khoảng 1.000 cây, tập trung ở các xóm Phượng Hoàng, Nà Kheo, Nà Phài. Theo ông Lường Văn Triệu, một trong những người đầu tiên ở xã Phú Thượng đưa giống quýt Bắc Sơn (Lạng Sơn) về trồng ở núi Phượng Hoàng, do hợp thổ nhưỡng (cũng là vùng núi đá) nên chất lượng quýt ở đây không thua kém gì so với vùng đất Bắc Sơn. Quả quýt có vị ngọt pha lẫn chua nhẹ, được người tiêu dùng ưa chuộng nên rất dễ tiêu thụ. Với giá bán từ 15 đến 25 nghìn đồng/kg, mỗi năm, một cây quýt có thể cho thu khoảng 120-150 nghìn đồng.

Nếu như cây quýt mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân ở Phú Thượng thì cây ổi đang giúp hơn 100 hộ dân ở xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Hiện nay, Linh Sơn có 35ha ổi, tăng 30 ha so với năm 2010. Mỗi năm, địa phương này cung cấp cho thị trường 120 tấn ổi, doanh thu đạt khoảng 4 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Nhu, một hộ trồng ổi ở xóm Làng Phan cho biết: Nhờ đưa các giống ổi mới vào sản xuất nên không chỉ năng suất, chất lượng quả ổi tăng lên mà còn giúp người dân Linh Sơn có ổi bán quanh năm. Thường vào chính vụ (mùa hè) ổi chỉ bán được với giá từ 15 đến 18 nghìn đồng/kg. Nhưng vào mùa đông, nhất là dịp Tết Nguyên đán hàng năm, ổi Linh Sơn bán được với giá từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg…

Không chỉ riêng Phú Thượng, Linh Sơn mà ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, người dân đã biết lựa chọn và trồng những loại cây ăn quả phù hợp với thổ những, khí hậu của địa phương mình. Do đó đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả như na ở La Hiên (Võ Nhai);  bưởi diễn ở Tiên Hội (Đại Từ) và Tràng Xá (Võ Nhai); Nhãn ở Hợp Tiến (Đồng Hỷ) và Phúc Thuận (T.X Phổ Yên)… Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Các loại cây ăn quả đang phát triển với diện tích lớn phải kể đến là vải, nhãn: 4.600ha, sản lượng 17,8 nghìn tấn quả/năm; chuối: hơn 1.800ha, sản lượng 24,7 nghìn tấn quả/năm; na: gần 790ha, sản lượng đạt 6.500 tấn quả/năm.

Thời gian qua, cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, người dân vẫn trồng cây ăn quả một cách tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, kế hoạch, dẫn đến rủi ro cao. Tại một số địa phương đã hình thành được các vùng cây ăn quả nhưng quy mô chưa tập trung, chưa tận dụng hết đất đai để phát triển, mẫu mã một số sản phẩm quả chưa đẹp, chưa qua sơ chế và chế biến nên khả năng cạnh tranh trên thị thường chưa cao. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh còn nhiều diện tích trồng cây ăn quả chủ yếu dựa theo quỹ đất của hộ gia đình, sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, trên một diện tích nhưng trồng rất nhiều loại cây khác nhau dẫn tới hiệu quả kinh tế chưa cao. Thêm vào đó, thời gian thu hoạch các loại quả diễn ra nhanh, một số loại quả không để lâu được, gây ra khủng hoảng thừa và giá rẻ trong chính vụ, nhưng lại thiếu về cuối vụ. Trong khi đó, bà con lại chưa có hệ thống bảo quản và phải tự lo đầu ra nên thường bị tư thương ép giá.

Bởi vậy, để phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hoá, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh cần thực hiện tốt công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch với quy mô lớn, có sản phẩm hàng hóa tập trung. Đồng thời, khuyến khích các hộ dân sản xuất cây ăn quả theo mô hình trang trại hoặc các hộ gia đình góp đất, vốn, thành lập nhóm hộ, hợp tác xã và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa tập trung nhằm xoá bỏ lối làm ăn manh mún như hiện nay. Cùng với đó là tiến hành rà soát, trồng mới, trồng thay thế những loại giống cây già cỗi bằng những giống cây mới chất lượng; xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất cây ăn quả đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) để nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể...

Bên cạnh những giải pháp nêu trên thì để phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa, tỉnh nên quan tâm hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm và và có chính sách đặc thù cho các cá nhân, doanh nghiệp chế biến, thu mua sản phẩm hoa quả nói riêng và đầu tư vào nông nghiệp nói chung.

Viết bình luận