Trồng rau an toàn bán Tết

Càng gần Tết Nguyên đán, các mặt hàng tiêu dùng như rau, củ, quả càng có nhiều biến động và đang “nóng” dần, nhất là đối với các sản phẩm rau, củ an toàn (VietGap), giá cả bắt đầu tăng do nhu cầu tiêu thụ lớn trong dịp Tết này… 

Từ sáng sớm trên nhiều ngả đường ở vùng 
trồng rau huyện Hóc Môn (TP.HCM) có hàng loạt chuyến xe chở đầy ắp rau, củ các loại đang đua nhau chạy về điểm thu mua để kịp giao bán đi các nơi. Chúng tôi tìm đến khu vực trồng rau theo quy trình VietGap của các hộ dân. Tại đây, chúng tôi chứng kiến cả vùng toàn trồng rau phủ lưới kín, các vườn rau đều có biển cắm “VietGap” trên những liếp rau thẳng tắp, nhìn cây rau không thấy có một vết sâu cắn.

 


Theo tìm hiểu của NNVN, hiện nay đã có một đơn vị đồng ý ký hợp đồng bao tiêu rau, củ theo quy trình VietGap với người dân của 6 xã thuộc địa bàn huyện Hóc Môn trên diện tích khoảng 750 ha. Đơn vị này cũng cam kết với người dân sẽ đầu tư về vật tư sản xuất gồm khâu làm đất, phân bón vi sinh, bình phun thuốc, các phương tiện thu hoạch, tủ thuốc BVTV (khoảng 80 triệu đồng/hộ/năm). Đồng thời luôn giữ ổn định giá thu mua sản phẩm rau VietGap (nhất là trong dịp Tết này) sẽ cao hơn từ 10-20% so với giá thị trường.

Gặp chúng tôi, anh Phạm Văn Mão, tổ 4, ấp 2, xã Nhị Bình phấn khởi tâm sự: “Sản phẩm rau muống nước của chúng tôi đến nay đã được chứng nhận VietGap, được DN ký hợp đồng đầu tư bao tiêu với giá cao hơn giá ngoài thị trường khiến bà con ai cũng mừng. Do vậy, chúng tôi chỉ mong DN này giữ đúng cam kết với dân và hợp đồng lâu dài, ổn định giá thu mua!”. 


Gia đình anh Mão có 11.000 m2 trồng rau muống nước, trước kia phải “căn” ngày chợ để cắt rau bán cho được giá, nhưng hầu hết cũng phập phồng, ngày nào biết giá ngày đó. Nhưng từ ngày ký hợp đồng trồng rau muống theo tiêu chuẩn VietGap để bán cho công ty, đời sống của các hộ dân mới bắt đầu khấm khá. Anh Mão còn được phía công ty tuyển dụng làm tổ trưởng tổ rau an toàn, có trách nhiệm đôn đốc, giám sát các hộ dân trồng rau muống theo đúng quy trình. Đồng thời, có trách nhiệm bàn bạc giá thu mua rau của công ty để hàng ngày, hàng tuần phổ biến cho bà con biết.


Ông Phạm Văn Thắm, tổ trưởng tổ rau, ấp 1, xã Nhị Bình cũng cho biết: “Gia đình các tổ trưởng cũng như người dân đều bình đẳng, hàng ngày cung cấp rau cho công ty và được thanh toán theo tuần (thứ 2 lên công ty nhận tiền). Tuy trồng rau theo quy trình VietGap năng suất không cao hơn so với trồng thường, nhưng bù lại bán được giá cao và ổn định khiến các gia đình đều có ý thức tự giác thực hiện rất nghiêm túc”.


Bao Nong Nghiep Viet Nam 

Viết bình luận