'Tưới đậm' chống hạn cho chè

Theo kinh nghiệm của những người trồng chè lâu năm, để trải qua một mùa hè nắng gắt, không nhất thiết phải tưới thường xuyên cho chè mà chỉ cần 1 - 2 lần tưới đậm.

09-18-15_nguoi_dn_thnh_mi_tuoi_dm_cho_che
Người dân Thanh Mai tưới đậm cho chè

 

Tại một số huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, chè là cây trồng chủ lực. Nhưng vài năm lại đây, mỗi năm có hàng trăm ha chè bị chết nên người dân phải đầu tư hàng trăm triệu đồng để chống hạn.  

Đầu tư hàng trăm triệu đồng chống hạn cho chè

Toàn huyện Thanh Chương hiện có hơn có 4.500ha, chiếm 3/4 diện tích chè của Nghệ An. Trong năm 2015, 2016, toàn tỉnh đã có trên 1.000ha chè chết do nắng hạn.

Nguyên nhân khiến cây chè chết ngoài hạn hán khốc liệt còn do trong những năm gần đây, nông dân Nghệ An ồ ạt đưa máy móc vào thu hoạch khiến mức độ “sát thương” rộng, chè bị sốc nước khi nắng hạn. Cũng do cắt chè bằng máy, người trồng chè buộc phải chặt bỏ hết các cây tạo bóng râm trên vườn chè để thuận tiện cho thu hái. Nguyên nhân nữa là việc người dân không sử dụng hiệu quả các biện pháp chống hạn hay “tận thu”, cắt chè cả những tháng nắng nóng đỉnh điểm...

Trước diễn biến trên, ngoài chủ trương trồng mới, khôi phục lại diện tích chè cho toàn huyện, vài năm lại đây, người trồng chè Thanh Chương tập trung cao cho việc phòng chống hạn. Các hộ dân ở gần khe suối hồ đập tranh thủ tích trữ nguồn nước, mua sắm các loại máy bơm và thiết bị để phun tưới.

Ông Bùi Ngọc Toàn ở xóm Nam Sơn, xã Thanh Mai cho biết, cách đây 2 năm ông đã đầu tư 200 triệu đồng để lắp đặt hệ thống phun tưới. Nhờ hệ thống này, trong trận đại hạn lịch sử năm 2015 và mùa nắng nóng 2016 vừa qua 3 ha chè của nhà ông vẫn phát triển tốt và cho năng suất cao. Nhiều hộ dân xã Thanh Mai cũng đã đầu tư từ 20 - 150 triệu đồng mua sắm máy bơm nước công suất lớn và hệ thống tưới tự động. Theo thống kê, hiện có 63% số hộ dân trồng chè có máy bơm các loại. Ở những vùng không có các nguồn nước tự nhiên, các hộ dân còn đầu tư xây dựng các bể nước trong vườn chè để dự trữ nước mưa.

Cùng với việc đào ao, ngăn đập, xây bể, mua sắm máy bơm nước, người dân vùng chè là tích cực chăm sóc, bón phân, làm cỏ và tủ gốc cho chè bằng các loại cây phân xanh, lá cây tươi, rơm rạ để giữ ẩm.  

“Tưới đậm” - nói không với việc tận thu mùa nắng nóng

Những hộ có vườn chè không bị chết 2 mùa nắng nóng vừa qua cho biết, vào mùa nắng cần hạn chế việc thu hoạch bằng máy mà chỉ nên thu hoạch thủ công  hái bằng tay hoặc giảm bớt lứa hái. Bởi hái chè bằng máy sẽ cắt hết lá trên bề mặt và  làm vương xăng dầu làm giảm khả năng phát triển nếu gặp nắng nóng chè sẽ chết. Bên cạnh đó, biết cách tưới đúng cách cũng sẽ giúp cây chè vượt qua những tháng nắng hạn gay gắt.

Vườn chè 1ha của gia đình ông Nguyễn Cảnh Mậu, xóm 3, xí nghiệp chè Thanh Chương được trồng từ năm 1988. Dù cây chè đã gần 30 năm tuổi nhưng năng suất vẫn đạt 30 tấn/năm. Với giá bình quân 5 triệu đồng/tấn, mỗi năm gia đình ông thu về 150 triệu đồng. Trừa các chi phí, mỗi năm ông “đút túi” trên 100 triệu đồng.

09-18-15_nho_tuoi_dm_vuon_che_nh_ong_mu_vn_pht_trien_tot_trong_mu_nng_nong
Nhờ tưới đậm, vườn chè nhà ông Mậu vẫn phát triển tốt trong mùa nắng nóng

Trong khi bước vào mùa nắng nóng 2017, nhiều vườn chè 6 - 7 năm tuổi trên địa bàn xã Thanh Mai đã có dấu hiệu chững lại, không nảy chồi, một số gốc đã có dấu hiệu héo thì vườn chè nhà ông Mậu vẫn xanh mơn mởn. Ông dự định sẽ tiếp tục dùng máy cắt một đợt nữa trước lúc chính thức cho cây chè “nghỉ hè”.

“Để có được vườn chè như thế này, ngoài việc chăm bón như những hộ trồng chè khác, bí quyết của gia đình tôi là tưới đậm cho cây chè. Thực ra, nắng nóng đỉnh điểm chỉ diễn ra trong vòng 1 - 2 tháng/năm. Đó cũng là thời điểm cây chè cần nước nhất. Nếu đã tưới thì phải tưới thật đậm, tưới trên cao xuống, đến lúc cây chè no nước thì thôi. Tưới như vậy, cây chè sẽ duy trì sự sống được 20 - 30 ngày. Còn nếu tưới không đủ nước, cây chè lại càng có nguy cơ bị chết nắng. Nếu tiếp tục nắng hạn thì tưới thêm lần 2 là cũng đã kết thúc mùa nắng”.

Để cây chè có đủ nước tưới, ông Mậu đã lợi dụng nước đập thủy lợi đi qua dưới vườn chè. Năm 2001, ông đầu tư trên 100 triệu đồng, mua ống nước phi 60, kéo điện 3 pha, mua máy công suất 11 kg, xây trạm bơm gia đình ngay dưới chân đập Mũ Sỹ. Theo ông Mậu, thời điểm hiện nay, nếu đầu tư như ông xây dựng năm 2001 thì chi phí khoảng 500 triệu đồng.

Theo kinh nghiệm của ông Mậu, thời gian tưới mỗi lần thường kéo dài trong vòng 1 tuần, tưới cả ngày lẫn đêm. Tưới đậm sẽ giúp cây chè tăng thêm 1 lứa cắt/năm (6 lứa thay vì 5 lứa nếu không được tưới).

09-18-15_ong_mu_gioi_thieu_cong_trinh_ong_dn_nuoc_tuoi_cho_che_cu_gi_dinh
Ông Mậu giới thiệu về công trình ống dẫn nước tưới cho chè của gia đình
Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thanh Chương cho biết: “Để giảm diện tích chè bị chết, năm nay, UBND huyện Thanh Chương đã tổ chức các lớp tập huấn để cùng người dân trao đổi chia sẻ các biện pháp khoa học và kinh nghiệm để cùng nhau chống hạn cho chè. Cùng với việc tưới nước, tủ gốc hái chè bằng tay, thâm canh chăm sóc…, người dân phải trồng xen các loại cây có bộ rễ họ đậu và hút tạo nước như keo, muồng, tròi, dầu trẩu để tạo bóng râm và khôi phục lại các thảm cây xanh ở đỉnh đồi chè để giữ ẩm cho cả đồi chè”.

Viết bình luận