VƯỜN THUỐC QUÝ DƯỚI CHÂN NÚI ĐÁ VÔI

Không mấy người biết rằng thung lũng được bao quanh bởi núi Cổ Ngựa tại xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình lại có một vườn thuốc quý. Vườn thuốc quý này vừa có cả cây thuốc mọc tự nhiên lẫn cây thuốc do con người trồng như:

Đinh lăng lá nhỏ, trà hoa vàng; giảo cổ lam, cây huyết giác, bách bộ, hoa hòe… Chủ nhân của vườn thuốc này chính là anh Vũ Văn Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia. Vườn cây thuốc có diện tích 30ha với chủ yếu là cây đinh lăng lá nhỏ.

 Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phạm Thanh Kỳ cho hay, đinh lăng có nhiều loài. Trước đây, cây đinh lăng lá nhỏ được quân y nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu giúp tăng sức khỏe cho bộ đội. Đinh lăng thuộc họ ngũ gia bì (họ nhân sâm) có tác dụng tăng lực. Hiện nay, Công ty Cổ phần Traphaco đã sử dụng đinh lăng với một số dược liệu khác để sản xuất ra sản phẩm hoạt huyết dưỡng não.

Vườn thuốc quý dưới chân núi đá vôi
Ông Vũ Văn Tâm trong khu vườn đinh lăng đang phát triển tốt.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn thuốc đang phát triển xanh tốt, Giám đốc Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia-ông Vũ Văn Tâm-tiết lộ: Vườn thuốc này nằm trong dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng lá nhỏ tại tỉnh Ninh Bình”, thuộc chương trình “Nông thôn và miền núi” do Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 11-2016 đến tháng 5-2020 với tổng kinh phí thực hiện là 8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 3,35 tỷ đồng, phần còn lại là kinh phí do Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia đầu tư.

Dự án này có sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Nghiên cứu trồng và Chế biến cây thuốc (Viện Dược liệu, Bộ Y tế), quy trình trồng và chăm sóc cây đinh lăng thâm canh cao đã được thiết lập. Dự án đầu tư hệ thống tưới tự động cho toàn bộ diện tích trồng. Các tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” GACP-WHO được áp dụng. Ngoài ra, dự án còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân trồng cây đinh lăng theo quy trình tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời xây dựng mô hình cơ sở sơ chế biến đinh lăng với sản lượng dự kiến đạt 10 tấn khô/năm. Với mô hình này, nếu được áp dụng thành công sẽ là cơ hội để nông dân đất cố đô có thêm cây trồng mới phục vụ các nhà máy trong nước đang “khát” nguồn dược liệu sạch để chế biến thuốc.

Liên tiếp trong thời gian gần đây, với sự chỉ đạo rốt ráo của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các hội nghị về phát triển cây dược liệu nhằm “đánh thức kho thuốc của Việt Nam” còn nhiều tiềm năng, lợi thế để phục vụ chế biến, phát triển kinh tế cho người nông dân. Đây là tin vui với nông dân, với công tác sản xuất và bảo tồn dược liệu của nước ta.

Anh Vũ Văn Tâm tâm sự: “Tôi rất mong dự án thành công sẽ là cơ hội để công ty đưa sản phẩm dược liệu sạch phục vụ chế biến thuốc, đồng thời người dân nơi đây có thêm cây trồng mới, giúp giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập. Với những cây thuốc đã phát hiện trong tự nhiên, chúng tôi cố gắng bảo tồn và phát triển nguồn gen quý”.

Viết bình luận